Giao thông

Phà Rừng nối Quảng Ninh - Hải Phòng sắp hoàn thành sứ mệnh

Ngọc Anh 09/05/2024 15:09

Sau khi cầu Bến Rừng nối đôi bờ Hải Phòng - Quảng Ninh hoàn thành và được đưa vào sử dụng cũng là lúc tuyến phà Rừng hoàn thành sứ mệnh của mình.

Phà Rừng nối đôi bờ sông Đá Bạch, có nhiệm vụ trung chuyển người và phương tiện qua lại giữa TX Quảng Yên (Quảng Ninh) với huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

z5419878620413_e1d64566b3e358e17e1ef31bad449deb.jpg
Tuyến phà Rừng sắp hoàn thành sứ mệnh của mình.

Được đưa vào hoạt động từ năm 1979, trải qua gần nửa thế kỷ thăng trầm từ bến đò gỗ chèo tay nâng lên phà gỗ rồi chuyển sang phà sắt, đến nay, phà Rừng chuẩn bị hoàn thành sứ mệnh của mình.

Phà Rừng từng nắm giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo giao thông trên tuyến QL 10 kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng và đi tới các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định. Tuy nhiên, từ sau khi có cầu Đá Bạc cùng với việc điều chỉnh tuyến QL 10, lượng người và phương tiện đi qua phà Rừng cũng ngày một giảm đi.

Hiện tại, bến phà Rừng vẫn đang duy trì hoạt động một phà, một đò từ 4h30 - 20h45 hằng ngày với lưu lượng vận chuyển trên 1.000 người và phương tiện/ngày. Trong đó, đa số là công nhân từ Quảng Ninh sang làm việc tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng.

z5423695421034_0ce4da58815c3a633ba0b1e275a75de2.jpg
Bến phà Rừng- Quảng Ninh.

Sắp tới đây, khi cầu Bến Rừng nối TX Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) được hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng là lúc tuyến phà Rừng hoàn thành sứ mệnh của mình. Cây cầu hoàn thành sẽ giúp người dân tại hai địa phương giao thương nhanh chóng hơn trước thay vì phải chờ phà Rừng trong 40 phút như trước.

Xen lẫn với những niềm vui chuẩn bị có cầu mới là những hoài niệm tiếc nuối tuyến phà đã gắn bó cả nửa thế kỷ với người dân. Trong đó cũng có cả những nỗi niềm tâm tư của những người cán bộ, công nhân viên gắn bó lâu năm với bến phà Rừng khi sắp phải chia tay công việc hiện tại.

Theo ông Trần Đình Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cầu phà Quảng Ninh, khi phà chuẩn bị phải dừng hoạt động thì việc lớn nhất là vấn đề giải quyết chế độ chính sách cho 31 lao động tại đây. Đặc biệt khi tất cả người lao động đều chưa về hưu được và chuyển sang các công việc khác sẽ có những khó khăn nhất định. Bởi ngoài quản lý vận hành tuyến phà Rừng, công ty đang thực hiện việc bảo trì đường bộ tại một số tuyến tỉnh lộ trên địa bàn TX Đông Triều, Quảng Yên và TP Uông Bí nên khi tuyến phà Rừng dừng hoạt động sẽ chỉ có thể bố trí được rất ít số lao động tại đây tham gia các lĩnh vực khác tại đơn vị. Đơn vị đã làm đề án báo cáo với Sở GT-VT cũng như các ngành chức năng. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và chế độ chính sách nhà nước giải quyết chính sách cho người lao động một cách tốt nhất.

Dưới đây là một số hình ảnh về những chuyến phà Rừng trước khi cầu Bến Rừng chính thức được khánh thành, đưa vào sử dụng:

z5423654869332_c185d9f2229d3b380949233d5e77459c.jpg
Tuyến phà Rừng nối đôi bờ sông Đá Bạch, dài gần 1km.
z5419878646081_0777d007eee902fcdfd12f4ee9243172.jpg
Mỗi ngày, phà Rừng làm nhiệm vụ vận chuyển trên 1.000 người và phương tiện.
z5419878627760_2dc605e52b3fa14305e76924589a86e5.jpg
Chuyến sớm nhất của tuyến phà Rừng vào lúc 4h30 hàng ngày từ bến phía Quảng Ninh và chuyến muộn nhất vào lúc 20h45 hàng ngày từ bến phía Hải Phòng.
z5419878607880_dccd752a6408ee78358fed6b6541c131.jpg
Ông Phạm Văn Chiến (52 tuổi, lái tàu lai dắt) đã có 10 năm gắn bó với tuyến phà Rừng bày tỏ sự tiếc nuối khi tuyến phà sắp hoàn thành sứ mệnh của mình.
z5419878662953_517a246b211aef5c81390230e6cf6df7.jpg
Những công nhân làm việc tại đây băn khoăn, sau khi phà Rừng không còn hoạt động thì sẽ ra làm nghề gì vì hiện tuổi cũng đã cao.
z5419878614012_c4925b8e4e09a8696986224140118c8a.jpg
Bà Nguyễn Thị Thủy (62 tuổi, bán hàng mưu sinh ở bến phà Rừng) dự định sẽ nghỉ bán hàng sau khi bến phà dừng hoạt động.
z5419878635744_5456c4dc6dab09218b5030c4a4afdffa.jpg
Sắp tới sẽ không còn được "đợi" phà Rừng.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phà Rừng nối Quảng Ninh - Hải Phòng sắp hoàn thành sứ mệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO