Năm 2022 nhiều biến động sắp trôi qua. Riêng về lĩnh vực kinh tế, cho dù chuỗi cung ứng toàn cầu khôi phục khi đại dịch Covid-19 được khống chế, nhưng cuộc chiến năng lượng lại bùng nổ, cùng đó là lạm phát tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều định chế tài chính quốc tế đã đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2023.
Mới đây nhất, ngày 8/12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 xuống 1,4%; từ mức 1,7% trước đó được đưa ra vào tháng 11. Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu (GEO) của Fitch Rating có đoạn: “Dự báo GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh giảm một lần nữa khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản nhiều quốc gia xấu đi”.
Kéo giảm lạm phát “còn xa so với kỳ vọng”
Fitch Rating cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2% “bởi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng”. Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm từ 4,5% xuống còn 4,1%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2023 đã được điều chỉnh tăng từ mức 0,1% lên 0,2% do cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu dịu bớt, cùng đó việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất mạnh hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu. Fitch Ratings cho rằng nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong mùa Đông này đã giảm xuống do nhập khẩu khí đốt hoá lỏng (LNG) tăng và tiêu thụ khí đốt giảm. Ngoài ra, lạm phát thời gian gần đây ở khu vực Eurozone và Anh đã đạt 11% và lạm phát cơ bản đã tăng lên. Fitch Ratings ước tính lạm phát chung sẽ giảm đáng kể vào năm 2023 khi giá lương thực và năng lượng ổn định.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,1% trong năm 2022 còn 2,2% vào năm sau do lạm phát cao, trước khi phục hồi nhẹ và tăng 2,7% trong năm 2024.
Theo OECD, kinh tế thế giới đang mất đi động lực tăng trưởng do các cuộc khủng hoảng từ xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm và vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán định trong tương lai. Mặt khác, dù lạm phát tại Mỹ và EU đã giảm chút ít khi kết thúc tháng 11, nhưng “còn xa so với kỳ vọng”. Nhà kinh tế trưởng của OECD, ông Alvaro Santos Pereira, khẳng định kinh tế thế giới đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, và cú sốc năng lượng đã khiến lạm phát lên mức cao chưa từng thấy trong nhiều năm qua, và điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn thế giới.
OECD dự báo lạm phát của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ vẫn trên mức 8% trong quý IV năm nay trước khi giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2024. Riêng nước Anh được cho là nền kinh tế kém nhất trong nhóm G20 trong 2 năm tới, khi mà OECD đánh giá GDP của Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023 và chỉ tăng 0,2% vào năm 2024.
Chính vì thế, vào năm 2023, tiến sĩ Pereira cho rằng chống lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu. “OECD khuyến nghị thắt chặt chính sách tiền tệ ở những quốc gia nơi giá cả vẫn tăng cao và nhắm mục tiêu các biện pháp hỗ trợ cho các gia đình và doanh nghiệp để tránh làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát, với chi phí năng lượng có thể vẫn ở mức cao và không ổn định trong một thời gian. OECD cũng kêu gọi tăng tốc đầu tư vào việc áp dụng và phát triển các nguồn và công nghệ năng lượng sạch để giúp đa dạng hóa nguồn cung” - ông Pereira khuyến cáo.
Xuất hiện khả năng suy thoái?
Chưa hết, ngày 7/12, Công ty dịch vụ tài chính Citigroup cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống mức 2% trong bối cảnh các định chế tài chính lớn trên thế giới như: Goldman Sachs, Barclays và JP Morgan cũng đã có những động thái tương tự.
Các chiến lược gia thuộc Citigroup đã nêu ra những thách thức kéo dài mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, như đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt trong khi lại xuất hiện những dịch bệnh mới; lạm phát dai dẳng suốt năm 2022, kéo dài hơn bất cứ dự báo nào của giới tài chính cũng như các chính phủ; cuộc xung đột tại Ukraine buộc các nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ để tự bảo vệ.
Các chuyên gia của Citigroup khuyến cáo, kinh tế toàn cầu sẽ dần suy yếu khi các quốc gia lần lượt bị cuốn vào vòng suy thoái trong năm 2023. Theo Citigroup, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2022 và giảm xuống còn 0,7% vào năm 2023. Công ty này cũng dự kiến lạm phát hàng năm của Mỹ sẽ ở mức 4,1% vào năm tới, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ tăng lãi suất lên 5,25% - 5,5% vào năm 2023.
Riêng với Khu vực 19 quốc gia đồng tiền chung châu Âu (Eurozne) và nước Anh, Citigroup dự báo cuối năm 2022 sẽ rơi vào ngưỡng suy thoái do cả hai nền kinh tế đều phải đối mặt với các hạn chế về năng lượng đối với cung và cầu, cùng với đó là chính sách tài chính và tiền tệ bị thắt chặt. Theo Citigroup, năm 2023, kinh tế Anh sẽ suy giảm 1,5% trong khi Eurozone suy giảm 0,4%.
Khá sáng sủa là kinh tế Trung Quốc năm 2023 được Citigroup dự báo sẽ tăng trưởng GDP lên mức 5,6%, khi các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống Covid-19 được nới lỏng. Các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3,7%, trong đó Ấn Độ đạt mức tăng trưởng 5,7%. Dù mức dự báo mới cho nền kinh tế Ấn Độ đã bị điều chỉnh xuống thấp hơn so với mức 6,7% được đưa ra trước đó nhưng vẫn là mức tăng trưởng tốt nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn.
Còn với nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ, dự báo cho năm 2023 cũng không mấy lạc quan. Giám đốc điều hành JP Morgan, ông Jamie Dimon, cảnh báo Mỹ có thể rơi vào suy thoái vào giữa năm 2023, kéo theo sự sụt giảm của tới nhiều nền kinh tế khác. Ông Dimon cho rằng, khi mà đà tăng của lạm phát, lãi suất, xung đột tại Ukraine và những tác động chưa thể ước tính từ chính sách tiền tệ của FED, thì sẽ dẫn tới suy thoái. Và tình hình xấu nhất sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng nữa.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể diễn ra vào năm 2023, trong khi kiềm chế lạm phát vẫn là bài toán “vô cùng khó”.
Những điểm sáng phía trước
Ngày 7/12, theo tờ Wall Street Journal, các cuộc khảo sát doanh nghiệp được công bố mới đây cho thấy sản lượng kinh tế tại Mỹ và một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn suy giảm. Tuy nhiên, một số chỉ số khác cho thấy đã có sự phục hồi bất chấp lạm phát và lãi suất cao. Và rất quan trọng là các chỉ dấu đều cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, kết nối và thúc đầy tăng trưởng của các nền kinh tế.
Ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng về doanh nghiệp của S&P Global Market Intelligence, cho rằng, các công ty vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí sinh hoạt gia tăng, điều kiện tài chính bị thắt chặt, nhu cầu suy yếu ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết áp lực lạm phát đã được giải tỏa phần nào khi giá vật liệu thô và chi phí vận chuyển giảm xuống.
“Bảng cân đối tài chính hộ gia đình vẫn ở mức tốt đang hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng - một động lực chính của kinh tế Mỹ. Điều này đã giúp doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng và được dự báo có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào đầu năm 2023” - ông Williamson nhận xét và cho rằng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% mỗi năm của thập niên trước đại dịch. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, sản lượng kinh tế trên đầu người sẽ vẫn tăng nhẹ.
Còn theo ông Adam Posen - Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) thì nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tại châu Âu đang dần thích nghi với tình hình, với các biện pháp như giảm tiêu thụ năng lượng. Các chính phủ châu Âu cũng đã tung ra các gói hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình lớn hơn dự báo để giúp họ ứng phó với chi phí năng lượng, thực phẩm tăng cao. “Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ trải qua có các đợt suy thoái tương đối ngắn, nhưng không quá nghiêm trọng và có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý 4/2023” - ông Posen đưa ra nhận định.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng năm 2023 nền kinh tế thế giới sẽ không diễn biến quá tệ như nhiều người lo sợ, tuy rằng khó khăn vẫn rình rập. Bà Magdalene Teo - Giám đốc nghiên cứu về thu nhập cố định tại châu Á của Julius Baer cho rằng, năm 2023 các nền kinh tế châu Á sẽ bật lên. Dẫn đầu là Ấn Độ, tiếp đó là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Khối các quốc gia ASEAN cũng sẽ khá thuận lợi khi thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
Hoạt động tuyển dụng chậm lại, chi tiêu ít đi, tăng trưởng yếu hơn. Đó là những gì mà các giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp ở Mỹ dự báo khi nền kinh tế nước này chuẩn bị bước sang năm 2023 với một loạt trở ngại chờ đón. Ngày 8/12, Business Rountable - một hiệp hội của các CEO doanh nghiệp hàng đầu Mỹ, cho biết 3 tháng qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có 6 lần nâng lãi suất liên tục nhằm khống chế lạm phát, trong đó có 4 đợt tăng với bước nhảy lãi suất lớn 0,75 điểm phần trăm, là chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất kể từ thập niên 1980. Tác dụng phụ của “bài thuốc” chống lạm phát này là chi phí vay nợ gia tăng đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế. Vì thế, năm 2023 vẫn sẽ là một năm khó khăn cho nền kinh tế Mỹ. 49% số CEO được khảo sát coi nhân công là áp lực chi phí lớn nhất mà doanh nghiệp của họ phải đối mặt. 15% coi chi phí nguyên vật liệu đầu vào và 14% coi gián đoạn chuỗi cung ứng là vấn đề lớn nhất.