UBND thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương cho học sinh được đến trường đối với một số khối lớp từ ngày 8/11. Khi trường học mở cửa trở lại, tất cả cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh cần được đảm bảo an toàn về sức khỏe ở mức cao nhất.
Hà Nội không phải là địa phương duy nhất của cả nước đang đặt ra vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng trẻ em trước khi mở cửa trường học trở lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc chờ tiêm phủ vaccine cho trẻ em rồi mới đến trường hay mở cửa trường học trở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn, không chờ đến khi hoàn thành việc tiêm vaccine.
Rà soát các điều kiện
Phấn khởi vì con sắp được trở lại trường học, chị Nguyễn Vân Ngọc (một phụ huynh HS lớp 12 Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, Hà Nội) cho biết ngay khi nhà trường có khảo sát về việc tiêm vaccine cho con, tất cả phụ huynh trong lớp đều đồng ý. “Bên cạnh việc dặn dò các con tuân thủ triệt để 5K đã rất quen thuộc trong những mùa dịch qua, chúng tôi mong các con được tiêm vaccine càng sớm càng tốt để khi trở lại trường yên tâm hơn”- chị Ngọc nói.
Chị Trần Quỳnh Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đã đăng ký tiêm vaccine cho cả 2 con đang học lớp 3 và lớp 6 theo khảo sát trực tuyến của nhà trường. Ngay tại nhà chị ở, tổ dân phố cũng đến lấy ý kiến về việc đăng ký tiêm phòng vaccine cho con bằng văn bản và gia đình cũng đã ký tên đồng ý.
Tại Hà Nội các trường học tuần qua đã thực hiện khảo sát với các bậc phụ huynh về việc đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 17 tuổi và đã tổng hợp danh sách, báo cáo số liệu đến ngành y tế, giáo dục cũng như các đơn vị chức năng liên quan. Thông tin với phóng viên, bà Trần Thị Hương, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, quận đã có cuộc họp triển khai với các hiệu trưởng do Phó Chủ tịch quận chủ trì với sự tham gia của trung tâm y tế, phòng GDĐT… để sẵn sàng các phương án cho học sinh trở lại trường. Hiện các trường vẫn đang tiếp tục tuyên truyền với các bậc phụ huynh về việc tiêm vaccine và triển khai các bước tiếp theo để đảm bảo an toàn trường học khi mở cửa.
“Chúng tôi sẽ tiến hành họp với hiệu trưởng các trường trên địa bàn để triển khai, chuẩn bị rà soát các điều kiện mở cửa trường học trở lại trên cơ sở hướng dẫn của Sở y tế cũng như các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội. Các trường phải khẩn trương tổng vệ sinh và rà soát hết các tiêu chí như Sở đã ban hành để xem xét các điều kiện đủ đáp ứng mở cửa trường học hay không, nêu các phương án, kịch bản mở cửa trường học trở lại đối với các khối lớp đã được thành phố phê duyệt đi học trở lại”- bà Hương cho biết.
Giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được dạy học trực tiếp
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, suốt thời gian qua, song song với việc đảm bảo dạy học trực tuyến, nhà trường cũng thường xuyên rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, phun khử khuẩn theo kế hoạch… để đảm bảo sẵn sàng đón HS trở lại bất cứ lúc nào. “Chúng tôi sẽ sớm họp bàn để có phương án bảo đảm giãn cách khi HS đi học trở lại, trong đó có giảm sĩ số HS/buổi dạy như chỉ đạo của thành phố và báo cáo với Sở GDĐT”- bà Huyền nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở vừa nhận được văn bản hoả tốc số 3807/UBND-KGVX về việc cho HS trở lại trường học từ ngày 8/11/2021. Ngay sau đây Sở sẽ tổ chức họp để có kế hoạch cụ thể triển khai xuống từng phòng và các trường.
Ông Tiến cho biết thêm, để chuẩn bị đón HS quay trở lại học tập, Sở GDĐT đã phối hợp với Sở Y tế ban hành hướng dẫn liên ngành. Trong đó quy định những việc cần làm của nhà trường, giáo viên, HS trước, trong, sau khi các em đến trường học. Trong đó, có tổng số 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Nếu trường nào đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ không được phép hoạt động.
“Thực hiện triệt để 5K đối với trường học là điều chúng ta không còn xa lạ. Tuy nhiên, trong 16 tiêu chí lần này có thêm tiêu chí 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên nếu dạy trực tiếp ở trường từ ngày 8/11 tới”- ông Tiến nhấn mạnh.
Về phía Bộ GDĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, việc quyết định mở cửa trường học căn cứ vào điều kiện từng địa phương. Trong đó, khi cho HS đi học trở lại các trường cần có kế hoạch đảm bảo an toàn, hạn chế tổ chức các hoạt động tập thể, giao lưu giữa nhiều lớp với nhau. Theo ông Thành, khi HS đến trường trở lại có thể không thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch 100%, nhưng phải thực hiện tất cả các quy định phòng, chống dịch để đảm bảo phần đông các em không phải ở nhà học trực tuyến quá lâu.
ĐBQH, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu trung ương: Không thể “khoán” hết cho nhà trường
Tôi ủng hộ Hà Nội quyết định cho học sinh (HS) đến trường từ 8/11, thậm chí càng sớm càng tốt vì học trực tuyến không hiệu quả, chất lượng như học trực tiếp. Chúng ta phải xác định sống trong môi trường có Covid-19 nên các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm suy nghĩ tạo điều kiện cho các cháu được đi học. Trong dịch bệnh này phải giữ an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt quan trọng là trẻ em.
Là chuyên gia về y tế, tôi cho rằng phải đảm bảo an toàn cao nhất cho HS là yêu cầu cao nhất khi mở cửa trường học. Chúng ta làm được không? Tôi cho rằng hoàn toàn làm được.
Thứ nhất là đảm bảo an toàn bằng thực hiện 5K không chỉ trường học mà ngay trong chính gia đình các cháu bằng cách bố mẹ cũng hạn chế tiếp xúc nơi đông người, bố trí đưa đón hợp lý cung đường từ nhà đến trường của con, chuẩn bị khẩu trang cho con…
Để đảm bảo an toàn cho HS cần sự vào cuộc của tất cả các bên: Gia đình, nhà trường, xã hội, các cơ quan chức năng. Không thể phó thác hết cho nhà trường.
Thứ hai, tại trường phải tổ chức thực hiện nghiêm túc 5K, từ khẩu trang, rửa tay, khoảng cách… Nếu tổ chức sự kiện cần tránh đông đúc. Khi cho các cháu ra chơi ngoài sân trường phải đan xen giữa các lớp. Tuyên truyền, nhắc nhở HS tránh tiếp xúc trực tiếp với HS ngoài lớp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Nhà trường phải tuyệt đối không cho những người có nguy cơ lây lan vào lớp học.
Thầy cô giáo đi công tác phải có thời gian tự cách ly trước khi đi dạy trực tiếp…
Về phía cơ quan y tế phải vào cuộc chăm sóc cho các cháu, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Tôi cho rằng chỉ cần 2 tuần làm xét nghiệm 1 lần bằng PCR và làm mẫu gộp chi phí cũng hợp lý.
Cuối cùng, cần tập trung cao độ để tiêm vaccine cho HS.
ĐBQH, TS Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa: Nhanh chóng tiêm vaccine cho trẻ em
Cần giải pháp vừa đảm bảo việc học tập cho trẻ em, trong đó học trực tiếp là biện pháp học hiệu quả nhất, hạn chế không để các cháu mắc bệnh và lây lan trong gia đình, cộng đồng. Việc học sinh đi học cũng giúp bố mẹ đi làm trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 như hiện nay. Để làm được điều đó cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như vaccine, 5K và phối hợp giữa gia đình, nhà trường, ngành y tế và của toàn xã hội.
Đưa HS trở lại trường vào thời điểm này đang là vấn đề còn nhiều nhà khoa học băn khoăn. Phần lớn trẻ em khi mắc Covid-19, triệu chứng không rầm rộ như những người có tuổi, có bệnh nền. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý với chủng Delta mới này, trẻ em mắc Covid-19 cũng có những diễn biến phức tạp, đặc biệt nhóm trẻ thừa cân béo phì, cũng chiếm tỷ lệ khoảng 10% số HS. Thứ 2, tuy không có triệu chứng nên có thể các em là nguồn lây cho người thân trong nhà nên nhiều người cũng lo lắng điều đó.
Vì vậy, giải pháp là nhanh chóng tiêm phòng vaccine cho các em để đạt tỷ lệ phủ cao để an tâm đưa các em đi học. Ưu tiên tiêm phòng ở nhóm HS thừa cân, béo phì, có bệnh nền và đảm bảo tiêm phòng an toàn cao nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
* Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương báo cáo tình hình dạy học trực tiếp
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, nhằm thúc đẩy mở cửa trường học và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong ngành giáo dục, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo báo cáo tiến độ và kết quả triển khai hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp quận/huyện tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với ngành giáo dục địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Trước mắt, đề nghị các địa phương báo cáo Bộ GDĐT về tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Các địa phương chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT lên phương án, kịch bản xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra trong trường học; kiện toàn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có nhân viên y tế trực, có đầu mối cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch. Nội dung báo cáo gửi về Bộ GDĐT trước ngày 6/11/2021.
M.K., Lam Nhi, Đức Trân (ghi)