Từ 15 giờ đến 19 giờ ngày 5/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) liên tục tiếp nhận 4 trường hợp chuyển tuyến với chẩn đoán ngộ độc Methanol. 4 trường hợp gồm 2 nam và 2 nữ đều 20 tuổi được chuyển tuyến nhập khoa Cấp cứu này với chẩn đoán chung là ngộ độc methanol ngày thứ 2. Tuy nhiên trong vụ ngộ độc rượu kinh hoàng này có tới 8 người, 2 người đã tử vong, 6 người bị ngộ độc trầm trọng. Thật là kinh hoàng!
Làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thủ Đức, bước đầu, chủ quán nhậu khai: nhóm 8 người nhậu trong quán trên đã lấy 5 lít rượu có sẵn tại quán pha với nước ngọt và uống hết. Thông tin từ bệnh viện cho biết, tất cả các nạn nhân đều có nồng độ methanol trong máu rất cao. Methanol, thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi..., tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được phép dùng làm rượu thực phẩm. Ngộ độc do rượu bị pha cồn công nghiệp thường là rất nặng, nguy cơ dẫn đến tử vong.
Tình trạng lạm dụng rượu bia, đặc biệt là rượu nồng độ cao, rượu không rõ nguồn gốc từ lâu đã là một vấn nạn. Nhiều vụ ngộ độc rượu đã xảy ra với những kết cục đau lòng. Dư luận vẫn còn nhớ những vụ ngộ độc rượu gây chết người kinh hoàng. Một ngày đầu tháng 2/2012, 4 người thân trong một gia đình tụ họp ở khu phố Tân Ba (thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) để họp mặt đầu năm. Sau một hồi “chén anh, chén chú”, 3 trong số 4 người đã tử vong.
Cùng trong năm 2012, 2 người đàn ông cùng trú xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tổ chức cuộc nhậu, thi uống rượu bằng ca, mỗi người 1 lít. Kết cuộc không bên nào “thắng” vì 1 người tử vong, 1 người hôn mê sâu, tuy thoát chết nhưng di chứng bệnh tật kéo theo suốt đời.
Anh Lê Hoài Nam, 27 tuổi ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngày 8/1/2013, trong tình trạng mờ mắt, hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy hô hấp, máu nhiễm độc nặng với hàm lượng methanol cao. Tuy nhiên, não của bệnh nhân đã bị tổn thương quá nặng, tử vong.
Vào tháng 2 năm 2017, một vụ ngộ độc rượu gây chết nhiều người làm rúng động bản Tả Chải (xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Bà con dân bản đến ăn cơm, uống rượu tại đám tang của một người trong bản. Sau đó, 148 nạn nhân phải nhập viện. Nguyên nhân chính là do uống rượu có nồng độ methanol vượt ngưỡng. 9 người tử vong.
Còn nhiều vụ ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc, có nồng độ methanol cao, nhưng có lẽ vụ 9 người tử vong kể trên là vụ khủng khiếp nhất.
Theo tài liệu từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi uống rượu có methanol, cơ thể chuyển hóa thành formaldehyde rồi tiếp đến là acid formic cùng tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận khác như thận và gan. 10ml methanol trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn; 30ml (tương đương 1 ngụm) có thể gây chết người. Vì vậy, đây là chất có độc tính cao, bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, pha chế rượu.
Sử dụng methanol trong sản xuất rượu là hành vi thuộc nhóm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều 7 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm tại các khoản 3 như sau: Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Về trách nhiệm hình sự, Điều 224 Bộ luật Hình sự quy định phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy định pháp luật là rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt vẫn nhẹ, nên không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Cái chết hoặc ngộ độc sâu của những nạn nhân uống loại rượu độc này thật xót xa, vì họ không thể biết mình đang uống thuốc độc. Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền, phạt vi phạm hành chính với người uống rượu say, thì quan trọng hơn là phải tăng nặng hình phạt với những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm an toàn. Đặc biệt, với việc pha chế rượu có methanol, chất cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng con người thì lại càng cần phải lượng hình nặng hơn.
Nhưng, một lần nữa cần gióng lên hồi chuông cảnh báo với những người có thói quen lạm dụng rượu bia, đó là phải biết sợ, vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Và nếu nhẹ hơn, không mất mạng, thì việc say sưa sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại khác, khó lường.