Đó là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, diễn ra chiều ngày 7/10. Tham dự hội nghị còn có Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại các đầu cầu có các vị Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Khiếu nại, tố cáo giảm nhưng số vụ khiếu kiện đông người tăng
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để KNTC kiến nghị, phản ánh giảm 4,3%; số đơn KNTC giảm 54,6%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 39,3%. Tuy nhiên, theo ông Sáu, số đoàn đông người tăng 32%, đặc biệt là số đoàn đông người khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng 61,6%. Các vụ việc đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đặc biệt, cá biệt có một số đối tượng lợi dụng để xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có hành vi gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
“Điều đáng lo ngại là tình hình KNTC hiện nay đang bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, bôi xấu, đe dọa và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đồng thời, tác động tiêu cực vào tâm lý, hành động của cán bộ, vào đời sống xã hội và niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền, đòi hỏi phải được quan tâm chỉ đạo quyết liệt”- ông Sáu nói.
Nêu vấn đề: Tại sao KNTC thời gian qua giảm nhưng số vụ khiếu kiện đông người lại tăng? Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cần làm rõ các nguyên nhân dẫn đến KNTC, đi sâu vào các nguyên nhân chủ quan, nhất là những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước và công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; đặc biệt trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. “Pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai ngày càng hoàn thiện, tại sao KNTC vẫn tăng? - Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đặt vấn đề.
Người đứng đầu còn chưa quan tâm, quyết liệt
Nhấn mạnh 4 năm qua khiếu nại tố cáo giảm nhiều ở các địa phương, nhưng Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tăng số vụ đông người, đặc biệt 70% khiếu nại hành chính về đất đai; trong đó 40% là thu hồi đất, tái định cư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ là do thu hồi đất không đúng trình tự, thẩm quyền, thiếu minh bạch, công bằng, bố trí tái định cư nhưng điều kiện sinh hoạt không bằng nơi ở cũ. Phải quan tâm đến dân, phải đủ điều kiện tối cần thiết cho người dân phát triển kinh tế- Thủ tướng lưu ý.
Một vấn đề được Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra, đó chính là việc tiếp dân, giải quyết KNTC chưa được người đứng đầu quan tâm đúng mức, giải quyết còn chậm, thiếu quyết liệt. “Nhiều đồng chí Chủ tịch huyện, xã, tỉnh không bố trí tiếp dân, mà bố trí mấy cán bộ. Như vậy có đúng pháp luật không?”- Thủ tướng nói và chỉ rõ “họ tin tưởng nhưng mình không làm đúng quy trình”. Theo Thủ tướng, một số địa phương còn dựa vào việc hết thời hiệu để không xem xét giải quyết mặc dù công dân đã cung cấp thêm thông tin chứng minh việc KNTC là có cơ sở. “Chúng ta giải quyết có tình có lý với dân, dựa trên nền tảng pháp luật, không tham ô tham nhũng thì có ai khiếu kiện?”- Thủ tướng nói.
Chỉ rõ, việc tiếp dân một số nơi chưa được thực sự quan tâm, chưa dành thời gian thoả đáng, chưa đối thoại trực tiếp với dân, một số nơi tiếp qua loa, chưa trực tiếp chỉ đạo đến cuối cùng, chưa quan tâm thực sự đến quyền lợi chính đáng của người dân- Thủ tướng đề nghị các cơ quan, cá nhân công chức phải sát dân, lắng nghe dân, quan tâm lợi ích chính đáng của người dân.
Phải đặt mình vào vị trí của dân
Nhấn mạnh tiếp dân cần đặt mình vào vị thế của người dân để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tiếp nhận đơn thư KNTC, Thủ tướng yêu cầu cả bộ máy phải vào cuộc theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân. Các cấp đều phải có bộ phận tiếp dân, giải quyết KNTC bằng trách nhiệm, bằng tình cảm cách mạng, có lý có tình. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi công vụ.
Theo Thủ tướng, cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp dân phải nâng cao trách nhiệm, lắng nghe, ghi chép ý kiến của dân; giải thích pháp luật cho nhân dân. Khi xảy ra vụ việc KNTC đông người phức tạp, Chủ tịch UBND phải trực tiếp gặp dân để đối thoại, không để công dân KNTC kéo dài.
Thủ tướng cũng yêu cầu, quan tâm đúng mức việc tiếp nhận xử lý đơn thư tố cáo, kiến nghị của người dân và nhấn mạnh: “Trong quy trình giải quyết phải coi đó là nhiệm vụ chính trị, nhất là các vụ KNTC đông người. Các địa phương phải coi đó là chỉ tiêu thi đua, hoàn thành nhiệm vụ. Bí thư, Chủ tịch các cấp phải trực tiếp giải quyết, không để chậm, khiếu kiện đông người. Thanh tra Chính phủ, phải tăng cường thanh tra công vụ, tăng cường thanh kiểm tra trách nhiệm trong giải quyết KNTC”.
Tạo điều kiện để Mặt trận phản biện, tạo đồng thuận trong nhân dân Thủ tướng cũng nhắc nhở, cần coi trọng công tác vận động nhân dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, lưu ý trợ giúp pháp lý cho nhân dân. Nêu cao vai trò của Mặt trận trong vận động, thuyết phục dân, đi vào tình cảm, giúp dân hiểu được chủ trương. Quan tâm chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nhà nước, nghiêm túc việc giải trình với nhân dân, tính công khai minh bạch với nhân dân trong quản lý đất đai. Tạo mọi điều kiện cho MTTQ, các đoàn thể tham gia phản biện, tạo đồng thuận trong nhân dân. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng nhà ở theo hướng công khai, minh bạch, đúng quy trình, thu hồi đất phải vận động dân hiểu, thuyết phục dân nghe theo. |