Đó là quan điểm được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo góp ý cho Dự án Luật Hành chính công do Văn phòng Quốc hội tổ chức chiều ngày 9/5.
Theo ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm rất lớn đến hành chính công. Đây là vấn đề đang được đặt ra với cả hệ thống chính trị hiện nay bởi Chính phủ đang xây dựng Chính phủ phục vụ. Thực tế hiện nay mỗi địa phương đã có một mô hình về hành chính công nhưng mỗi nơi có một mô hình khác nhau như Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp đều có mô hình riêng. Có nơi trung tâm hành chính công của tỉnh giao cho Sở Nội vụ quản lý, nhưng có nơi lại giao cho Văn phòng UBND tỉnh, có nơi lại thuộc UBND tỉnh. Như vậy mô hình không giống nhau và hiệu quả có sự khác nhau. Vì thế theo ông Chương, việc ban hành luật này là rất cần thiết.
Ông Chương cũng cho rằng, về các thủ tục hành chính hiện nay đang có thực tế là theo quy định của các bộ ngành thì thủ tục hành chính có nơi rõ, có nơi chưa rõ về thời gian tiếp nhận hồ sơ cũng như trả lời kết quả vì chưa công bố, công khai. Do đó, các thủ tục hành chính cần được Luật này quy định làm sao để đảm bảo tính thống nhất trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hành chính công. Vì mỗi bộ, ngành có quy định riêng chưa kể nhiều thủ tục liên quan đến nhiều ngành như cấp giấy phép kinh doanh, đất đai, xây dựng còn chưa thống nhất nên cần nghiên cứu để thủ tục hành chính được thống nhất.
Ông Nguyễn Chí Đoàn- phó giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội nhìn nhận, Luật Hành chính công được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức phù hợp với quy định, kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan, cá nhân trong quá trình thực thi công vụ. Nhất là hiện một số vấn đề liên quan đến hành chính công được quy định rải rác ở các văn bản. Do đó Dự thảo luật đã đưa ra phạm vi điều chỉnh khá là hợp lý, điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau về dịch vụ công, giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ công để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tham gia giám sát có hiệu quả đối với cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên theo ông Đoàn, Luật cần bổ sung các quy định về dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ sự nghiệp công ích để phân biệt với thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước thực hiện. Hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đã được quy định chặt chẽ tại các văn bản, nhưng quy định về cung ứng dịch vụ công ích là chưa có dẫn đến tình trạng rất tùy tiện, mỗi đơn vị tự quy định do đó cần nghiên cứu xem xét để đưa vào trong Luật.
“Cần nghiên cứu bổ sung các nguyên tắc, hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện thủ tục hành chính như bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu bổ sung một lần trong quá trình giải quyết, tránh tình trạng nay đến hướng dẫn một tý, mai hướng dẫn một tý để hành người dân. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc công khai kết quả giải quyết hồ sơ, cấm việc yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ ngoài quy định”- ông Đoàn kiến nghị.