Phải làm rõ nhiều vấn đề trước khi tăng giá điện

T.Hằng 29/05/2023 08:22

Vừa tăng giá điện vào đầu tháng 5, mới đây báo cáo Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, mức tăng giá điện thêm 3% là chưa cân đối được chi phí. Vì vậy, EVN kiến nghị tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/ 2023. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi muốn tăng giá, cần phải làm rõ nhiều vấn đề của ngành điện.

Giá điện tiếp tục được đề xuất tăng thêm vào đầu tháng 9 tới.

Kiểm toán các khoản lỗ

Trong báo cáo gửi Chính Phủ, EVN cho biết, năm 2022, EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cả năm 2022 lỗ 26.463 tỷ đồng.

Theo EVN, với việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ ngày 4/5 vừa qua, dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại của năm, mức tăng thu này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang (26.463 tỷ đồng), ước cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỷ đồng.

EVN kiến nghị Thủ tướng: Sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025. Cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9 tới để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với mức tăng như hiện nay, để bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, giá điện có thể tăng 10% so với hiện hành. Tuy nhiên, điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, đời sống tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nên việc tăng giá điện 3% là đã được ngành điện tính toán cân nhắc kỹ, tránh tạo cú sốc, tránh điều hành chính sách giật cục.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, hiện nay doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn, trong khi điện là đầu vào của toàn xã hội. Điện tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vị chuyên gia cho rằng, trước khi EVN muốn tăng giá điện phải giải thích phần lỗ 26.000 tỷ đồng. Cần thẩm định việc tăng giá đến từ những yếu tố nào, chi phí đầu vào và các tính toán trong sổ sách của DN đưa ra có hợp lý không thì việc tăng giá mới thuyết phục.

Cũng theo ông Phú, cần phải kiểm toán để làm rõ nguyên nhân các khoản lỗ của EVN, nguyên nhân chủ quan, khách quan ở đâu? Vấn đề này phải được làm rõ.

Làm rõ năng lực quản lý

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, rà soát chi tiêu, đời sống của lãnh đạo ngành điện trong bối cảnh thua lỗ như vậy… Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đặt vấn đề, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Theo đó, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,444 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

"Cử tri cho rằng cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Vậy nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, nguyên nhân có phải từ năng lực quản lý hay không?”- bà Yên nói.

Phần lớn các quan điểm đều cho rằng, không cần EVN kêu gọi tiết kiệm điện, bản thân người tiêu dùng có ý thức tiết kiệm điện rất cao. Bởi tiền điện ăn vào chi phí sản xuất, ăn vào chi phí tiêu dùng hàng ngày rõ nét nhất. Còn nhớ 2013, ngành điện tăng giá bán lẻ liên tục với lý do thua lỗ nhưng khi thanh tra vào cuộc đã đã chỉ ra rằng, nhiều khoản chi phí như xây dựng biệt thự, sân tennis... cũng được tính vào giá bán điện.

Là khách hàng trực tiếp tiêu thụ điện, ông Trần Văn Nam - Chủ tịch Công ty CP thiết bị điện MBT cho hay, trung bình mỗi tháng, DN phải chi khoảng 200 triệu đồng tiền điện. Mức tăng giá điện vừa qua dù hợp lý trong thời điểm này, nhưng DN vẫn phải tính toán lại các chi phí sản xuất, thiết bị cũ thì thay thế, sản xuất tránh vào khung giờ cao điểm.

Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cho hay, muốn biết rõ tác động của việc tăng giá điện đến chi phí kinh doanh thì phải sau 1 - 2 tháng nữa, khi có hóa đơn điện thì khách hàng mới biết. Tuy nhiên, điện là nhiên liệu đầu vào phục vụ mọi ngành sản xuất, dịch vụ, nên giá điện tăng sẽ không loại trừ nhiều ngành hàng sẽ “bám theo” để tăng giá hàng hóa, tăng chi phí sản xuất.

“Mỗi mặt hàng, mỗi khâu sản xuất, phân phối tăng một chút đều được tính vào giá thành sản phẩm. Nhà bán lẻ phải cân nhắc để không tăng giá hàng hóa quá cao làm ảnh hưởng đến sức mua” – đại diện DN này chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải làm rõ nhiều vấn đề trước khi tăng giá điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO