Công tác cán bộ luôn là vấn đề hệ trọng, đặc biệt là người đứng đầu. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Dương Ngọc Sơn- Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Thăng Long cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 nhấn rất mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Dương Ngọc Sơn
Theo ông Dương Ngọc Sơn, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ra đời tuy không sớm nhưng toát lên được vấn đề thực tế: sự suy thoái trong đạo đức lối sống, tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đặc biệt ở cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu. Kỳ này, hội nghị Trung ương lần thứ 13 cũng có phần kiểm điểm tổng kết đánh giá nhìn nhận lại Nghị quyết Trung ương 4 trước khi lựa chọn nhân sự cho Đại hội tới. Nhìn chung từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương rất quan tâm nhưng triển khai chưa được quyết liệt, kiên quyết cho nên người dân vẫn băn khoăn. Chúng ta nói suy thoái nhưng suy thoái ở đâu? cơ quan nào? đơn vị nào? cá nhân nào? thì chưa được chỉ rõ.
Chỗ này chỗ khác có biểu hiện không dừng lại mà còn tinh vi hơn, thể hiện trên nhiều mặt như: đua nhau làm đề án, dự án không phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội; xây dựng trụ sở hoành tráng; hay đi công tác nước ngoài.
“Tôi chưa bao giờ thấy đi công tác nước ngoài dễ dàng như bây giờ khi một đoàn công tác của một tỉnh đi nước ngoài tham quan, rút kinh nghiệm về vấn đề du lịch. Như vậy là lãng phí. Nghị quyết Trung ương 4 đã triển khai mạnh mẽ ở Trung ương, còn ở địa phương thì tôi thấy chưa đủ mạnh. Vì vậy nhân dân than phiền là đúng, trong khi Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu rõ ở đâu có tiêu cực, tham nhũng, lãng phí thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng vừa rồi đều do báo chí, nhân dân phát hiện còn cơ quan để xảy ra tham nhũng đâu có phát hiện và chịu trách nhiệm? Chính điều này cho thấy việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 còn hạn chế”- theo ông Sơn. Nghị quyết rất đúng nhưng thực hiện chưa mạnh tay, trong khi đây là vấn đề liên quan đến lòng tin của dân. Đó là vấn đề hết sức quan trọng.
Về vấn đề thanh tra, xử lý sau thanh tra, ông Sơn cho rằng, sau 7 năm kê khai tài sản mà chỉ có 18 người bị xử lý, nhưng cũng không nói bị xử lý như thế nào. Hay mấy nghìn cuộc thanh tra mà không phát hiện trường hợp nào tham nhũng cả. Thanh tra mà quy chế hoạt động như bây giờ sẽ không hiệu quả vì chỉ kiến nghị, còn xử lý thế nào không được tham gia. Thanh tra muốn mạnh thì thẩm quyền phải đi đôi với trách nhiệm.
Về vấn đề nhân sự khóa XII của Đảng, ông Sơn cho rằng, Hội nghị Trung ương 13 vừa rồi làm khá chặt chẽ vì liên quan đến vận mệnh đất nước. “Tôi tin kỳ này nhân sự được lựa chọn tốt. Tốt thì đại đa số tốt, nhưng chỉ một vài cá nhân thì cũng rất phức tạp”.
Với câu hỏi, Nghị quyết Trung ương 4 phải làm lâu dài thường xuyên, vậy nhiệm kỳ tới chúng ta phải tăng cường xử lý người đứng đầu như thế nào khi người đó để xảy ra sai phạm ở đơn vị mình phụ trách? Ông Sơn cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 nhấn rất mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu cho nên phải làm kiên quyết. Phải xử lý nghiêm người đứng đầu sai phạm, thì mới lấy được niềm tin của người dân. Phải làm quyết liệt và kiên quyết thì mới chuyển biến.