Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng phải phân cấp, phân quyền, quy trách nhiệm rõ ràng cho địa phương, người đứng đầu để chặn việc giao đất theo quan hệ, giao đất cho doanh nghiệp năng lực không ổn định.
PV: Việc xử lý dự án “treo” gây lãng phí đất đai là câu chuyện của nhiều địa phương, đặc biệt ở Hà Nội. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến cho các dự án “treo” nói mãi vẫn vậy?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: Dự án “treo”, quy hoạch “treo” tồn tại có cả lý do khách quan và chủ quan nhưng vấn đề nổi lên là chúng ta đang thiếu cách xử lý nhanh và kịp thời. Hiện nay đang tồn tại vấn đề phân công, phân cấp chưa rõ. Mỗi sở, mỗi ngành làm một việc nhưng đầu mối tập trung cuối cùng đưa ra quyết định xử lý dự án “treo” chưa quyết liệt. Mặc dù thời gian gần đây các địa phương cũng như Hà Nội quyết tâm xoá dự án “treo” nhưng một khi đã giao đất cho doanh nghiệp rồi thì khó thu hồi. Tại sao? Đó là do thiếu chính sách trong đấu giá, đền bù, giải phóng mặt bằng, sau thu hồi xử lý ra sao.
Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cũng đang thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất và quản lý tiến độ các dự án. Chính vì vậy, rất nhiều chủ doanh nghiệp xin đất rồi găm đất đầu cơ? Quan điểm của ông như thế nào?
- Dự án chậm triển khai trong nhiều năm có nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu cơ chế quản lý tiến độ các dự án. Nhiều chủ doanh nghiệp nhờ quan hệ xin dự án nhưng không phát triển dự án. Dự án chậm, doanh nghiệp sai thì địa phương phải có cách xử lý vi phạm.
Nguồn lực từ việc khai thác đất hợp lý và hiệu quả và các doanh nghiệp có một vai trò quan trọng. Doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về đất đai sẽ không được xem xét để giải quyết tiếp các thủ tục giao đất, cho thuê đất trong các dự án tiếp theo?
- Trong việc khai thác nguồn lực đất đai, doanh nghiệp giữ vai trò rất lớn. Các doanh nghiệp cũng cần tự “nâng tầm” cả về quy mô và nội lực với tinh thần làm thật, phát triển dự án bằng năng lực của chính mình, xóa bỏ tư duy lợi dụng kẽ hở của cơ chế, lợi ích nhóm để trục lợi. Doanh nghiệp “xin đất thực hiện dự án” nhưng lại chậm triển khai đầu tư xây dựng, hay có thể còn có tình trạng không thực hiện dự án như đã đề xuất trong thời gian dài, dẫn tới nguồn lực về đất đai bị lãng phí, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả sử dụng đất. Có doanh nghiệp rất cần đất để phát triển dự án thì không có, có doanh nghiệp có đất lại bỏ không.
Trân trọng cảm ơn ông!