Đó là ý kiến của Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trung tâm Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định với Đại Đoàn Kết khi Góp ý vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Hòa thượng Thích Gia Quang.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, việc phân công rõ ràng sẽ tăng tính trách nhiệm của các cơ quan được giao quản lý hoạt động các cơ sở thờ tự.
PV:Thưa Hòa thượng, với vai trò là thành viên tích cực của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc, tôn giáo, từ thiện và nhân đạo xã hội, Hòa thượng có thể cho biết kết quả hoạt động của GHPG Việt Nam trong việc tham gia các phong trào, các CVĐ do MTTQ Việt Nam phát động trong thời gian qua?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và phương châm hoạt động của GHPG Việt Nam là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, trong những năm qua, GHPG Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động do UBTƯ MTTQ Việt Nam và Nhà nước phát động.
Cụ thể như CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, vận động quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo, hay như các phong trào mang lại áo ấm cho trẻ em ở vùng cao, vì biển đảo quê hương…. GHPG Việt Nam đã đóng góp cả vật chất, tinh thần để ủng hộ.
Trong mỗi dịp lễ tết, GHPG Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn mang theo các vật phẩm như gạo, mì tôm, chăn ấm và tiền bạc để giúp đỡ đồng bào còn khó khăn. Đối với bà con ở biển đảo, GHPG Việt Nam đã vận động các Phật tử, các Mạnh thường quân ủng hộ tiền bạc, mua sắm các trang thiết bị cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Ngoài những hoạt động lớn, GHPG Việt Nam còn tổ chức rất nhiều hoạt động khác. Ngoài đóng góp về vật chất, tinh thần, GHPG Việt Nam còn đóng góp vào sự phát triển các tôn giáo nói chung.
Trong Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, GHPG Việt Nam cũng có ý kiến làm thế nào để khi Bộ Luật mới ra đời chuẩn chỉnh hơn, thuyết phục hơn. Kể cả vấn đề về Hiến pháp 2013, GHPH Việt Nam cũng đóng góp một phần trí tuệ để hoàn thiện bản Hiến pháp của Nhà nước.
Trong quá trình hoạt động GHPG Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn, được xã hội đánh giá cao. Vậy, trong Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, GHPG Việt Nam có đóng góp như thế nào đối với Dự thảo lần này?.
Dự thảo Luật lần này được đánh giá là công phu, tiến bộ mang tính phổ quát, không những đáp ứng được hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam nói riêng mà còn đáp ứng được các hoạt động của các tôn giáo quốc tế nói chung. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và mong Nhà nước sớm ra được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và mong ước này đang trở thành hiện thực.
Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 điều mà Chính phủ phải làm ngay trong đó có một điều là phải tôn trọng quyền do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.
Từ tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước đã cho ra các sắc lệnh về tôn giáo, các nghị định về tôn giáo. Tại kỳ họp Quốc hội tới, nếu Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua thì đây sẽ là Bộ Luật mang tính pháp lý cao nhất, thể hiện sự tự do tín ngưỡng, trong đó cả Phật giáo và các tôn giáo khác sẽ sống và làm việc theo Luật, phù hợp với sự phát triển của đất nước và sự hòa nhập quốc tế.
Đóng góp của các tôn giáo trong đời sống tín ngưỡng là không thể phủ nhận, nhưng hiện nay, có nhiều ý kiến xung quanh việc quản lý các cơ sở thờ tự, điều này sẽ được thể hiện ra sao trong Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thưa Hòa thượng?
Về những nội dung liên quan đến hoạt động của các chùa, tại nhiều hội nghị lớn nhỏ, chúng tôi cũng đã có ý kiến phát biểu, nhưng những vấn đề này chưa mang tính pháp lý vì chưa đưa vào Luật.
Trong Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo lần này chúng tôi rất mong đưa nội dung này vào Dự thảo Luật. Hiện nay, nếu các chùa là những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tức là chịu sự quản lý và là tài sản của Nhà nước thì cũng nên có sự phân rõ trách nhiệm một cách cụ thể là chùa đó thuộc thẩm quyền quản lý của cấp nào, bộ ngành nào.
Về phía Phật giáo, chùa, thiền viện là cơ sở thờ tự của Phật giáo nhưng nếu chùa đó thuộc di tích lịch sử văn hóa, tầm cỡ quốc gia thì do Nhà nước quản lý. Những cơ sở nào không thuộc tầm cỡ quốc gia thì do GHPG Việt Nam quản lý. Nếu phân công trách nhiệm rõ ràng như vậy thì bên nào quản lý mà không đúng luật thì bên đó phải chịu trách nhiệm.
Những di tích lịch sử, di tích văn hóa do ngành văn hóa quản lý mà không đúng luật thì ngành văn hóa phải chịu trách nhiệm. Cũng như vậy, với những cơ sở thờ tự do Phật giáo quản lý không đúng Luật thì bên Phật giáo sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!