Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại", thực hiện thắng lợi "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh “kiểu mẫu”.
Sáng ngày 29/7, tỉnh Thanh Hoá đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (29/7/1930 - 29/7/2020).
Tới dự buổi lễ có ông Phạm Minh Chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành…
Trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá đã ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Đảng bộ Thanh Hoá trong suốt 90 năm qua; thể hiện sự kính cẩn tưởng nhớ công lao to lớn của biết bao thế hệ chiến sĩ cộng sản kiên trung đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.
Thanh Hoá không chỉ là một trong những cái nôi của người Việt cổ mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ; là đất “thang mộc” của các dòng chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Vùng đất này có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, với tinh thần chủ động, sáng tạo; trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, Đảng bộ đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh liên tục phát triển.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần trực tiếp về thăm Thanh Hóa, nhiều lần Người tặng Cờ thi đua Quyết thắng, cùng với hàng trăm bức thư, bức điện khen ngợi các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và chiến đấu. Trong đó, lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa vào ngày 20/2/1947, Bác đã căn dặn: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
Lời dạy của Bác đã trở thành tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và mục tiêu khát khao của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cho đến hôm nay và mãi mãi về sau.
Cụ thể, từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, mà còn có một phần lương thực hàng hoá; các vùng sản xuất cây nguyên liệu phát triển ổn định; cơ giới hoá trong nông nghiệp được đẩy mạnh; một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung được hình thành.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xăng dầu, xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác.
Các ngành dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện; trong đó, lớn nhất là Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đến nay đã đi vào vận hành ổn định.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo, điều hành xây dựng và phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt. Kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đột phá và khá bền vững; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 dự kiến thu được khoảng 30.000 tỷ đồng, gấp 2,75 lần năm 2015 và gấp gần 7,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015…
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối thuận lợi với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, trong đó có những hạ tầng rất quan trọng như: Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân...
Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; phát huy dân chủ, tính sáng tạo, nhưng bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng và quy chế làm việc.
Thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ. Coi trọng công tác Dân vận, chăm lo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quần chúng.
Có thể khẳng định, chưa bao giờ tỉnh Thanh Hóa có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đặc biệt, vừa qua, vào ngày 17/7/2020, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là dấu mốc lịch sử, có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra cho Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã đề ra định hướng phát triển của tỉnh trong 5 năm tới, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại". Thực hiện thắng lợi "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh “kiểu mẫu”.
Cũng tại buổi lễ, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ và toàn diện, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa cần tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp Nhân dân.
Có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử lâu đời, phong phú đa dạng và đậm đà bản sắc Thanh Hóa thành nguồn lực; biến khó khăn, thách thức, nghèo khổ thành động lực để vươn lên.
Xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt; cần coi trọng và tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên.
Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc ở cơ sở, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, “tham nhũng vặt”.
Phải thật sự chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; quan tâm để giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc...
Nhân dịp này, Thường trực Tỉnh ủy đã trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá cho 45 tập thể và 45 cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2015-2020.