Cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng từ tháng 6/1985, sau nhiều năm cầu đã có hiện tượng xuống cấp cần kiểm tra kiểm định và sửa chữa kịp thời. Do vậy, từ nay đến hết tháng 12, cấm toàn bộ phương tiện di chuyển qua cầu Chương Dương trong suốt quá trình kiểm định từ 0h - 4h.
UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ công tác kiểm định cầu Chương Dương.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với CATP, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Long Biên và các đơn vị liên quan căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện theo quy định.
Trong thời gian thực hiện phương án phân luồng tổ chức giao thông phải có đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, đèn cảnh báo an toàn giao thông, có lực lượng trực 24/24 để hướng dẫn giao thông, bố trí các chốt trực hợp lý để phân luồng giao thông từ xa; đảm bảo an toàn lao động, an toàn tuyệt đối cho các công trình ngầm, nồi có liên quan, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, không gây ùn tắc giao thông, đồng thời CSGT, TTGT vận tải bố trí lực lượng trực để phân luồng, hướng dẫn giao thông.
Trước đó, Sở GTVT đề xuất phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ công tác kiểm định cầu Chương Dương. Theo đó, đến hết tháng 12/2021, cấm toàn bộ phương tiện di chuyển qua cầu Chương Dương trong suốt quá trình kiểm định từ 0h - 4h.
Cùng đó, bố trí các chốt phân luồng từ xa tại hai đầu bờ Bắc và Nam cầu Chương Dương. Đối với bờ Nam, bố trí chốt để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ cho các phương tiện đi đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật không nên đi nút giao vòng xuyến; bờ Bắc bố trí chốt để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ cho các phương tiện tại nút giao Hồng Tiến - Nguyễn Văn Cừ hướng cho các phương tiện quay đầu để đi cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân tại hai đầu đê Long Biên - Xuân Quan để hướng dẫn không cho các phương tiện đi lên cầu.
Được biết, cầu Chương Dương đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 6/1985 là cây cầu chịu tải trọng lớn phục vụ cho các phương tiện giao thông trong thời gian dài trước khi có cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì hiện nay cầu đã có hiện tượng xuống cấp cần kiểm tra kiểm định và sửa chữa kịp thời.
Theo Công ty Công trình giao thông Hà Nội, trong năm 2021, mỗi ngày cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Đây là nguyên nhân chính khiến mặt cầu và khe co giãn bị xuống cấp nhanh chóng, công tác sửa chữa, duy tu thường xuyên không đáp ứng được với lưu lượng phương tiện qua lại lớn.