Tại rất nhiều trường học hiện nay, giáo viên chủ nhiệm đang áp dụng hình thức phạt nộp tiền cho các lỗi vi phạm của học sinh như bị ghi sổ đầu bài, đi học muộn, nghỉ học không phép, quên mặc đồng phục… Mỗi lớp quy định mức nộp khác nhau, từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng.
Tiền học sinh nộp phạt cho các lỗi vi phạm sẽ sung vào quỹ lớp.
Giáo viên áp dụng quy định này để giúp học sinh thực hiện tốt nội quy nhà trường, nhất là các em học sinh hay trốn tiết, trốn học, nói chuyện trong lớp, nếu thương bố mẹ thì phải biết cách khắc phục, sửa chữa. Nhiều giáo viên cho biết, số tiền đó dùng để nuôi heo đất dành cho liên hoan, khen thưởng cuối năm.
Ở góc độ nào đó có thể hiểu được mục đích của cách hành xử ấy nhưng nhiều người lại băn khoăn vì trong cuộc sống không thể và không nên giải quyết mọi việc bằng tiền, nhất là với học sinh.
Thứ nhất các em chưa làm ra tiền, từ ăn uống, may mặc, học hành đến ốm đau, bệnh tật cái gì bố mẹ cũng phải lo. Nhiều gia đình đã quá căng thẳng trong các khoản đóng góp, nay lại phải lo thêm vài chục, thậm chí là vài trăm nghìn mỗi năm học khi không may con có buổi quên mặc đồng phục, lỡ đi học muộn…
Thứ hai, để học sinh tiếp xúc thường xuyên với tiền (vài chục ngàn đồng với học sinh không phải là ít) là không nên. Có em nhân việc xin nộp tiền phạt, xin thêm để tiêu vặt, chơi điện tử. Có em không dám xin tiền vì sợ bố mẹ biết khuyết điểm của mình sẽ mắng mỏ, đánh đòn thì nhịn ăn sáng để dành tiền nộp. Không ăn sáng, học liên tục ba, bốn giờ, có em mệt nhoài không đủ sức và tinh thần để theo hết các tiết học phải xuống phòng y tế nằm hoặc tiếp tục bỏ tiết.
Thế là khuyết điểm này nối tiếp khuyết điểm kia, nộp mãi không thấy sạch tội, lúc nào cũng là con nợ của quỹ lớp… Không biết khi đưa ra hình thức kỷ luật này, người ta có hình dung hết sự nghiêm trọng của vấn đề? Đáng tiếc hơn là hầu hết giáo viên thường tự áp dụng mà hầu như không đưa ra kỳ họp phụ huynh đầu năm để lấy ý kiến tham vấn của cha mẹ.
Có trường, giáo viên thay vì bắt nộp tiền mặt là nộp vở. Học sinh phải lấy vở bố mẹ mua sẵn cho mình đem nộp, khi hết thì lại nhịn ăn sáng để mua vở nộp…
Bức xúc với tình trạng này, một phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội đã làm đơn khiếu nại đến Ban Giám hiệu nhà trường. Ban giám hiệu vào cuộc xác minh và đã yêu cầu cô giáo trả lại toàn bộ vở đã thu của học sinh lớp đó. Số vở nghe nói lên tới vài trăm quyển, trị giá tiền triệu.
Năm 2015, sự việc hai thầy giáo Trần Văn Thiện (12A8) và Vũ Văn Hiến (12A1) trường Ngô Thời Nhiệm, Bình Dương ra hình thức phạt tiền 100 ngàn đồng/lần nếu học sinh nghỉ học phụ đạo từng gây xôn xao xư luận.
Ông Nguyễn Duật Tu, Hiệu trưởng nhà trường đã nhận định việc làm của hai thầy là sai quy định, nội quy của nhà trường lẫn nguyên tắc giáo dục. Ấy vậy mà ở thời điểm này, năm học 2015-2016, nhiều trường vẫn áp dụng án kỷ luật sai nguyên tắc giáo dục này!