Sáng 10/7, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc.
Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta từ trước tới nay: Từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 tiêm chủng cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18. Sự kiện do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức.
Cùng dự lễ phát động có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và Đại sứ quán một số nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm Sở Chỉ huy Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng đặt tại khuôn viên trụ sở Bộ Quốc phòng. Thủ tướng cũng tham dự lễ trao hai triệu liều vaccine Moderna của Hoa Kỳ tặng Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển theo mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay.
Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện Chiến lược vaccine. Trong thời gian vừa qua chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để thực hiện chiến lược vaccine. Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ vaccine đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân ở trong và ngoài nước và doanh nghiệp thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Tính đến nay Quỹ vaccine đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vaccine phục vụ nhân dân.
Thủ tướng khẳng định, việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Chúng ta đã cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Đó là lý do tại sao những lô vaccine tháng trước đã được tập trung cho công nhân và nhân dân vùng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang. Và mấy hôm nay, vaccine được tập trung chuyển về tiêm cho nhân dân TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có vùng dịch ở phía Nam.
Theo Thủ tướng, để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, chúng ta phải tổ chức việc điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình. Đặc biệt. trong thời gian tới, lượng vaccine sẽ về nhiều, chúng ta cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh, kịp thời, an toàn và hiệu quả. Tiếp đó, để thực hiện Chiến lược vaccine, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vaccine hàng năm.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời Thủ tướng nhắc nhở, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng ta không chủ quan sau tiêm mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành. Mỗi chúng ta hãy để thông điệp “mình vì mọi người và mọi người vì mình” và “thương người như thể thương thân” được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng, trong toàn thể nhân dân.
Thủ tướng khẳng định, dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn gian khổ chúng ta lại càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công Chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Sở Chỉ huy - Trung tâm Điều hành chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Trung tâm này hoạt động suốt ngày đêm trong cả tuần, được kết nối với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, với 63 tỉnh, thành phố và các quân khu trong toàn quốc. Thủ tướng cũng chứng kiến lễ bàn giao 2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và lễ bàn giao 126 xe chuyên dụng do Công ty Thaco tài trợ để chở vaccine tới các địa phương, đơn vị.
Tiêm đến đâu an toàn đến đó
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong công tác tiêm chủng, luôn quán triệt đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, đảm bảo “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Bên cạnh đó, công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để có thể xử lý mọi việc kịp thời.
Về việc vận chuyển, phân phối, bảo quản vaccine, chúng ta đã thiết lập nên một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới dựa vào lực lượng Quân đội. Vaccine sẽ bảo quản tại các kho của các quân khu mà Bộ Quốc phòng và Y tế đã phối hợp thiết lập, đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vaccine từ đó chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của địa phương một cách nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của vaccine. Chúng ta đã huy động một lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định.
“Để đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Cùng với đó, các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để có thể xử lý mọi việc kịp thời. Bộ Y tế đã sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo cho người tiêm”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết và nhấn mạnh đến việc ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, từ đó hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này.
Thay đổi chiến lược cách ly và xét nghiệm ở điểm “nóng”
Tại thời điểm này, TP HCM đang là điểm “nóng” dịch Covid-19, khi mỗi ngày ghi nhận vài trăm tới gần 1.000 ca bệnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, hiện thành phố đã có 2.500 đội lấy mẫu xét nghiệm với 4.000 người. Công suất lấy mẫu đạt 350.000 - 400.000 mẫu/ ngày, phù hợp với năng lực xét nghiệm của 20 đơn vị xét nghiệm trên địa bàn. Thời gian trả mẫu xét nghiệm đang là 24 giờ sẽ rút ngắn xuống còn 12 giờ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TP HCM liên quan đến một số thay đổi lớn trong triển khai các hướng dẫn chuyên môn thực hiện các công tác liên quan đến phòng chống dịch. Theo đó, về công tác cách ly sẽ phân ra các khu vực gồm:
Khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): Các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài. Đối với trường hợp có đông F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa, áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra khu cách ly tập trung.
Với khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT của Bộ Y tế. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại công văn 5152. Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt người F1 lưu trú tại các gia đình đông người, tại các khu chung cư, tập thể thực hiện cách ly tập trung theo các quy định hiện hành.
Về công tác xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay có những thay đổi lớn để phù hợp với thực tiễn chống dịch. Theo đó thực hiện gộp theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể gộp mẫu 3 hoặc 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Đối với khu vực nguy cơ cao, tiến hành lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp cùng 1 ống. Đối với các khu vực khác, cần thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của hộ gia đình.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, TP HCM cần thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp…
Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18, là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta, với mục tiêu bảo về sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vaccine về Việt Nam. Trong năm 2021, chúng ta sẽ có 105 triệu liều vaccine và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7/2021, hơn 8 triệu liều vaccine được chuyển cho Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam.