Sáng 28/6, báo Hòa Bình đã tổ chức họp báo, công bố Quyết định cuộc thi viết về chủ đề “90 năm nền văn hóa Hòa Bình” trên báo Hòa Bình năm 2022.
Kỷ niệm “90 năm nền văn hoá Hoà Bình”, báo Hoà Bình phát động cuộc thi viết về chủ đề “90 năm nền văn hoá Hoà Bình” trên báo Hoà Bình. Cuộc thi nhằm khuyến khích, phát huy những đóng góp của các nhà báo, phóng viên, các cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân văn hoá… viết về nền văn hoá Hoà Bình. Qua đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng về những giá trị của nền văn hoá Hoà Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình cho biết: Cuộc thi bắt đầu từ tháng 6/2022 kết thúc tháng 10/2022 và dự kiến tổng kết trao giải đúng dịp kỷ niệm “90 năm nền văn hoá Hoà Bình” (tháng 11/2022). Thời gian diễn ra khá ngắn, mảng đề tài sâu với nhiều tầng nghiên cứu, tôi mong các nhà báo, các phóng viên cơ quan báo chí, đặc biệt các nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, các nghệ nhân sẽ nghiên cứu kỹ thể lệ, chủ động đi cơ sở, khảo sát thực địa, nghiên cứu tài liệu có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về chủ đề “Văn hoá Hoà Bình”, bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hoá Hoà Bình trong đời sống xã hội hiện nay.
Hòa Bình được đánh giá là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây, đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú, nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất Hoà Bình và đã để lại một nền văn hoá nổi tiếng "Văn hoá Hoà Bình".
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, các hang động trong các sơn khối đá vôi Hòa Bình đã được các nhà Khảo cổ học của trường Viễn Đông Bác Cổ chú ý tới. Qua quá trình khảo sát, thám sát, khai quật và nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra trong các hang động của các khối đá vôi Hoà Bình một nền văn hoá phát triển trong giai đoạn từ hậu kỳ đá cũ cho tới sơ kỳ đá mới, nền văn hoá này được đặt tên là nền “Văn hoá Hoà Bình”.
Năm 1932, tại hội nghị Tiền sử Viễn Đông họp ở Hà Nội, “Văn hóa Hòa Bình” đã được các nhà khảo cổ thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ “Văn hoá Hoà Bình” do bà Madeleine Colani đưa ra để đặt tên cho nền văn hoá này.
“Văn hoá Hoà Bình” tồn tại trong khoảng thời gian từ 30.000 năm đến 7.500 năm cách ngày nay. “Văn hoá Hoà Bình” được xác định là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hoá Sơn Vi - Phú Thọ) và thời đại đá mới (Văn hoá Bắc Sơn - Lạng Sơn).
Văn hoá Hoà Bình là một nền văn hoá tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á. Văn hoá Hoà Bình có mặt phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á lục địa, nhưng chưa ở đâu Văn hoá Hoà Bình phân bố dày đặc và phong phú như ở Việt Nam và được nhiều nhà khoa học nước ngoài xem là quê hương của Văn hoá Hòa Bình.
Sự hiện diện của nền “Văn hoá Hoà Bình” không chỉ là một minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người, mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hoá sinh học từ người vượn tiền sử Homoeretus tiến lên người hiện đại Homosapiens, về phương thức kiếm sống; về tổ chức xã hội, khi con người ở đây đã tiến từ giai đoạn “bầy người” tới tổ chức bộ lạc nguyên thuỷ....
Với những di vật có được khi khai quật tại các di chỉ khảo cổ đã phần nào vén bức màn thời gian tìm hiểu sự sống và những nét căn bản của sự phát triển xã hội của tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và lưu giữ nền văn hóa nguyên thủy “Văn hóa Hòa Bình”. Các di vật tiêu biểu tìm thấy trên vùng đất Hòa Bình phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử tại Hòa Bình.