Phật giáo Việt Nam sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước

Lê Quốc Khánh 14/06/2017 14:52

Trong 2 ngày 14, 15/6, tại Kiên Giang, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội từ thiện. 

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội thảo.

Dự và chủ trì Hội thảo có TS. Trần Thanh Mẫn Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Hoà Thượng Thích Thiện Nhơn; GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Trong những năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể phát động; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực y tế cơ sở, giáo dục mầm non, hoạt động trợ giúp xã hội, dạy nghề,... của Đảng, Nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, trong những năm qua, với truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và phương châm: “Đạo pháp-Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, tăng ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước luôn gắn bó đồng hành trong mọi hoạt động của đất nước, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, triển khai thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động. Đồng thời, GHPG Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động bảo trợ xã hội, với hạnh nguyện “Từ bi, cứu khổ độ sinh”.

Cả nước đã có 125 cơ sở Tuệ Tĩnh đường và hàng trăm phòng thuốc nam phát thuốc miễn phí, cùng hàng trăm cơ sở Phật giáo tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội, với hàng nghìn đối tượng bảo trợ xã hội như: trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, người già không nơi nương tựa,...

Tại hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu đã đưa ra những gương điển hình trong công tác xã hội, từ thiện đồng thời đưa ra những kiến nghị tâm huyết nhằm đẩy mạnh công tác xã hội, từ thiện trong thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch MTTQ thành phố Đà Nẵng, MTTQ thành phố đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố xây dựng các Chương trình cụ thể như “Phật giáo Đà Nẵng với an sinh xã hội”; hay “ Phật giáo Đà Nẵng với Chương trình thành phố 4 an”... Nhờ những Chương trình cụ thể này nên đã động viên tuyệt đại đa số tăng, ni và Phật tử hưởng ứng tham gia tích cực và hiệu quả; Công tác vận động xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo đã tạo sự gắn bó giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ; đồng thời tổ chức tuyên dương các điển hình trong các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì (trong đó có công tác bảo trợ xã hội) nhằm nhân rộng điển hình tiên tiến, để cho công tác xã hội từ thiện được lan toả rộng khắp, góp phần làm vơi bớt những khó khăn của các mảnh đời bất hạnh.

Để phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên của Mặt trận trong đó có Giáo hội Phật giáo tham gia tốt công tác an sinh xã hội nói chung, bảo trợ xã hội nói riêng, theo ông Hải, MTTQ cần có đội ngũ cán bộ đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ mà cụ thể là cần những cán bộ có “tâm” và có “tầm”, có uy tín nhất định để làm công tác vận động, nhất là vận động các chức sắc tôn giáo tham gia. Đồng thời, Mặt trận phải tham mưu cho Cấp uỷ Đảng, phối hợp với Chính quyền, các ngành liên quan đề góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc, giúp cho các tổ chức, cá nhân trong đó có Phật giáo tham gia tốt công tác bảo trợ xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trong những năm qua Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, hoạt động trợ giúp xã hội, dạy nghề,…

Đến nay trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của Phật giáo tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thu hút được nguồn lực để cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chăm lo cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tuy nhiên, để Phật giáo Việt Nam đóng góp tốt hơn nữa việc tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng cần phải có các giải pháp tích cực, đồng bộ giữa công tác quản lý, hỗ trợ của các ngành chức năng của nhà nước; sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp Giáo hội và chất lượng tổ chức và hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công việc.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng Hội thảo.

“Hội thảo lần này nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; trách nhiệm của chức sắc, tín đồ, các cấp Giáo hội, các cơ quan liên quan và tìm ra các giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, an sinh xã hội, góp phần thiết thực vào các hoạt động hướng đến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo; đồng thời tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, lý luận với thực tiễn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về công tác tôn giáo” – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phật giáo Việt Nam sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước