Ngày 18/1, PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết đơn vị vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, tổ chức hội thảo về ngôi mộ cổ nghi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khu di tích thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Ảnh: Minh Quang.
Chiếc thẻ tre được tìm thấy trong ngôi mộ có ghi chữ Mạc triều trạng nguyên cùng đạo hiệu của cụ thân sinh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Gỗ làm quách có niên đại khoảng 1.700 năm với cách đóng, chất liệu sơn thuộc thời nhà Mạc…những thông tin về ngôi mộ cổ nghi của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người, Hội Khảo cổ học Việt Nam vừa công bố trong hội thảo ngày 16/1.
Trước đó, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tìm thấy chiếc quách gỗ sơn màu đỏ, ở độ sâu 2 m trong vườn một gia đình. Sau đó người dân chuyển hài cốt trong quách sang tiểu sành mới, an tang tại nghĩa trang xã. Quách gỗ được giữ lại, chuyển lên Hà Nội cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Tại hội thảo nêu trên, ông Nguyễn Lân Cường cho biết, trong quá trình nghiên cứu tấm quách đã tìm thấy một thẻ tre có ghi chữ.
Nhà thư pháp Hán Nôm Lê Thiên Lý, nhà Hán học Hoàng Phan và cụ Lương Bắc Tưởng – một -người Hoa sống tại Hải Phòng cùng đọc thẻ, phát hiện ra chữ “Mạc triều Trạng nguyên”, “Cù Xuyên” (đạo hiệu của thân sinh Trạng trình Nguyễn Bình Khiêm).
Còn theo TS khảo cổ học Lê Đình Phụng, quy cách đóng, chất liệu sơn của quách thuộc thời nhà Mạc; gỗ dùng làm quách là loại quý, dân thường thời phong kiến không thể có được.
Tại hội thảo này, PGS.TS Ngô Tiến Quý- Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cũng cho hay: Để kết luận chính xác về ngôi mộ này thì phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, những thông tin ban đầu cho thấy khả năng lớn đây là ngôi mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Ông sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình. Lâu nay nhiều người đã đưa ra giả thuyết và trực tiếp đi tìm kiếm, nhưng chưa ai chắc chắn bất cứ địa điểm nào về mộ phần của ông.