Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu sâu giai đoạn quan trọng nhất - khoảng thời gian từ sau điều trị đến khi xuất hiện di căn - và phát hiện “nghi phạm” là các nguyên bào sợi.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Tel Aviv ngày 4/8 tuyên bố đã phát hiện được những dấu hiệu thay đổi trong tế bào phổi có thể giúp cảnh báo sớm căn bệnh ung thư sắp chuyển sang giai đoạn di căn.
Nhóm nghiên cứu - do Giáo sư y khoa Neta Erez đứng đầu, cho biết những dấu hiệu thay đổi nói trên được khoanh vùng trong một khu vực được gọi là "môi trường vi mô" của khối u, đặc biệt tập trung trong một mô liên kết có tên nguyên bào sợi. Những thay đổi này sẽ dẫn đến sự phát triển của các tế bào ung thư di căn.
Nhóm nghiên cứu giải thích rằng các bệnh nhân ung thư, nhất là ung thư vú, thường không tử vong vì khối u nguyên phát, mà vì khối u di căn đến các bộ phận quan trọng trong cơ thể.
Di căn có thể xuất hiện vài năm sau khi bệnh nhân đã được áp dụng tất cả các phương pháp điều trị, bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát, sau đó hóa trị và xạ trị để tiêu diệt phần khối u còn sót lại.
Tuy nhiên, các phương pháp theo dõi khối u hiện nay chỉ xác định được vị trí di căn khi chúng đã khá lớn, tức là bệnh đã ở giai đoạn cuối và y học không có giải pháp điều trị.
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu sâu giai đoạn quan trọng nhất - khoảng thời gian từ sau điều trị đến khi xuất hiện di căn - và phát hiện “nghi phạm” là các nguyên bào sợi.
Giáo sư Erez nói: “Trong điều kiện bình thường, các nguyên bào sợi này đóng vai trò trung tâm để chữa lành các tổn thương ở phổi. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã phát hiện chúng đã bị khối u lợi dụng để tạo ra một môi trường phát triển thuận lợi."
Cùng với nhiều phát hiện liên quan khác trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả hy vọng sẽ giúp các bác sỹ chẩn đoán sớm và kiểm soát được quá trình di căn, qua đó tăng cơ hội điều trị thành công cho các bệnh nhân ung thư.