Các nhà nghiên cứu Anh đã xác định được bằng chứng về sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ trong vài ngày trước khi các triệu chứng của virus xuất hiện. Nếu được nghiên cứu rộng rãi, phát hiện này sẽ chứng minh về cách thức lây lan của virus. Nó cũng có thể trả lời cho câu hỏi làm thế nào mà bệnh đậu mùa khỉ bùng phát mạnh trong năm nay.
Hiện nay, hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) về bệnh đậu mùa khỉ chỉ ra rằng, mọi người “có thể lây bệnh cho người khác từ khi các triệu chứng xuất hiện cho đến khi vết lở loét lành hoàn toàn”. Trong khi vẫn cho rằng “không có bằng chứng nào cho thấy bệnh đậu mùa khỉ lây lan từ những người không có triệu chứng”, nhưng cơ quan này cũng đang theo dõi các thông tin mới.
Phát hiện quan trọng
Các nhà nghiên cứu từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh BMJ hồi tuần trước. Tiến sĩ Esther E Freeman, Giám đốc Khoa Da liễu Sức khỏe Toàn cầu tại Trường Y Harvard và là đồng tác giả của bài xã luận kèm theo cho biết: “Đây là một nghiên cứu quan trọng và có khả năng gây tranh cãi. Nó cung cấp bằng chứng cho thấy, có thể có sự lây truyền không triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra. Nhưng giống như bất kỳ nghiên cứu nào, nó vẫn cần được xác nhận bằng cách sử dụng các dữ liệu thực khác”.
Bệnh đậu mùa khỉ được xác định lần đầu tiên ở người vào năm 1970 và là bệnh đặc hữu của 11 quốc gia châu Phi. Trong đợt bùng phát toàn cầu chưa từng có lần đầu tiên được xác định ở Anh vào tháng 5 năm nay, virus phần lớn lây truyền qua quan hệ tình dục giữa nam giới.
Theo CDC, cho đến nay, trên toàn cầu đã có 77.174 người mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 109 quốc gia, trong đó có 28.442 người ở Mỹ. Tuy nhiên cho đến nay, các trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu và ở Mỹ đã giảm đều kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 8, có lẽ là do tiêm chủng, thay đổi hành vi tình dục và khả năng miễn dịch có được.
Theo bài xã luận, các tác giả nghiên cứu đã thực hiện "các điều chỉnh thống kê thích hợp" đối với dữ liệu trong phân tích của họ. Cụ thể, họ đã sử dụng các mô hình toán học để kiểm soát các yếu tố khác nhau có thể dẫn đến sự sai lệch, chẳng hạn như tỷ lệ lây nhiễm ở Anh đang thay đổi.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu bảng câu hỏi liên quan đến 54 thành viên của nhóm thuần tập để ước tính thời kỳ ủ bệnh đậu mùa khỉ - thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi khởi phát triệu chứng. Họ xem xét thêm dữ liệu trên 79 cá nhân để ước tính cái gọi là khoảng thời gian nối tiếp, khoảng thời gian giữa các triệu chứng đầu tiên của một người và sự khởi phát triệu chứng của một người mà họ có thể đã truyền virus sang.
Tùy thuộc vào các mô hình toán học được sử dụng, khoảng thời gian nối tiếp trung bình ngắn hơn từ 0,3 đến 1,7 ngày so với thời gian ủ bệnh trung bình, thường là khoảng một tuần. Điều này gợi ý rằng, một tỷ lệ đáng kể các trường hợp - ước tính khoảng 53% - lây truyền không có triệu chứng.
Sự xác thực của phát hiện này đến từ việc phân tích 13 cặp, mà giữa họ có lẽ đã bị lây truyền bệnh đậu mùa khỉ. 10 cặp trong số những trường hợp này cho thấy sự lây truyền không có triệu chứng trước, xảy ra tối đa 4 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Thay đổi hướng dẫn y tế?
Các tác giả cho biết, những phát hiện như vậy cho thấy rằng, các nỗ lực theo dõi những người tiếp xúc gần gũi giữa những người bị bệnh đậu mùa khỉ không nên chỉ giới hạn trong những tiếp xúc có từ ngày các triệu chứng bắt đầu.
“Mặc dù tải lượng virus đậu mùa khỉ có thể tương đối thấp trong giai đoạn trước khi có triệu chứng, nhưng các loại tương tác cường độ cao như quan hệ tình dục có thể khắc phục hiệu quả trở ngại này và tạo điều kiện lây truyền. Mọi người cũng có thể lây truyền virus khi họ có các triệu chứng lần đầu tiên trước khi họ nhận thức được chúng” – một nhà nghiên cứu chia sẻ.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu sự lây truyền không có triệu chứng thực sự là nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, thì điều này đặt ra câu hỏi về tác động của các chính sách y tế công cộng buộc mọi người phải cách ly khi có triệu chứng. Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã gợi ý rằng, các chính sách cách ly có thể có tác dụng hạn chế đối với một loại virus thường không lây lan qua tiếp xúc thông thường.
Tiến sĩ Boghuma Titanji, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory ở Atlanta, đánh giá rất cao nghiên cứu này và cho rằng nghiên cứu đưa ra một lập luận mạnh mẽ về việc có một số trường hợp lây truyền không có triệu chứng.
Lưu ý về việc các bệnh nhiễm trùng có thể diễn ra âm thầm sẽ khó kiểm soát hơn, Tiến sĩ Titanji cho rằng, phát hiện chính của nghiên cứu đã “đưa một đường cong vào mô hình hóa dịch bệnh”, sẽ có những thay đổi như thế nào trong những tháng tới?
Trước đó, một nghiên cứu của Pháp được công bố trước khi in vào tháng 7 và được xuất bản vào tháng 10 cũng đã cho rằng, điều đáng sợ của bệnh đậu mùa khỉ là việc lây truyền mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Nachi Arunachalam, Giám đốc sự cố bệnh đậu mùa khỉ của UKHSA, cho biết: “Vẫn còn nhiều việc cần làm để hiểu rõ về các bệnh nhiễm trùng có triệu chứng và không có triệu chứng và điều đó có thể có ý nghĩa đối với các chính sách và quản lý dịch đậu mùa ở khỉ trong tương lai”.