Các nhà khoa học đã phát hiện một “siêu Trái Đất” mới chỉ cách chúng ta 21 năm ánh sáng, và họ cho rằng nó có thể phù hợp với sự sống.
Hành tinh này có khối lượng lớn gấp ba lần Trái Đất và nó có thể là một hành tinh đá và đủ mát mẻ để duy trì nước ở dạng lỏng.
Nó quay dọc theo rìa bên trong của khu vực phù hợp với sự sống của một ngôi sao lùn. Các nhà nghiên cứu đang mong muốn mô tả các đặc trưng về bầu khí quyển và các đặc điểm khác của hành tinh này để đánh giá tốt hơn về khả năng hỗ trợ sự sống của nó.
Hành tinh này được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Viện Vật lý thiên văn Quần đảo Canary (IAC) bằng kính thiên văn quốc gia Galileo 3,6m đặt tại Đài quan sát Roque de Ios Muchachos.
Bằng thiết bị HARPS – N (Thiết bị Tìm kiếm Hành tinh theo Vận tốc Xuyên tâm với Độ chính xác Cao cho phổ hồng ngoại Bán cầu Bắc), họ đã thu được 151 quang phổ trong 3 năm rưỡi.
Các biến thể nhỏ trong vận tốc xuyên tâm của nó cho thấy sự hiện diện của hành tinh này, do hậu quả của lực hấp dẫn khi nó quay quanh ngôi sao lùn đỏ GJ 625 (Gliese 625).
Các nhà nghiên cứu cho biết, hành tinh này mất 14 ngày để quay được một vòng hoàn chỉnh. Theo tính toán, nó có khối lượng bằng khoảng 2,8 lần khối lượng Trái Đất, và nó nằm cách ngôi sao chủ khoảng 0,8 đơn vị thiên văn nên thuộc khu vực phù hợp với sự sống.
Một trong những tác giả của nghiên cứu này – nhà khoa học Alejandro Suárez Mascareño – cho biết “vì GJ625 là một ngôi sao tương đối mát mẻ, hành tinh này lại nằm ở rìa của khu vực phù hợp với sự sống, nên ở đó có thể chứa nước ở dạng lỏng trên bề mặt. Trên thực tế, phụ thuộc vào lớp mây che phủ trên bầu khí quyển và tốc độ quay của nó, mà hành tinh này có thể là nơi có sự sống hoặc không”.
Hành tinh mới phát hiện này nằm khá gần hệ mặt trời của chúng ta – chỉ cách 21 năm ánh sáng. Và theo các nhà nghiên cứu, cho đến nay đây là siêu Trái Đất có khối lượng thấp nhất được phát hiện.
Theo nhà khoa học Rafael Rebolo – một trong những tác giả khác của nghiên cứu này – tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng quan sát hành tinh này khi nó vượt phía trước ngôi sao chủ để tìm ra mật độ, bán kính và đặc trưng của bầu khí quyển.
Việc này có thể thực hiện được nhờ “sử dụng các phổ có tính ổn định cao của kính viễn vọng khổng lồ GTC, hoặc thế hệ kính viễn vọng kế tiếp ở bắc bán cầu, chẳng hạn như Kính viễn vọng 30m (Thirty Meter Telescope – TMT)”. ” Trong tương lai, các chiến dịch quan sát trắc quang mới sẽ rất cần thiết để có thể phát hiện được khi hành tình này đi qua phía trước ngôi sao chủ của nó và gần với mặt trời”.
“Có lẽ là còn có nhiều hành tinh đá khác quay xung quanh GJ625 với quỹ đạo gần hoặc xa hơn nhưng vẫn nằm trong khu vực phù hợp với sự sống mà chúng ta còn phải tiếp tục tìm kiếm”.