Một bộ hài cốt quái vật 264 triệu tuổi trông như lai tạp nhiều loài khác nhau đã được khai quật tại Pháp trong tình trạng cực kỳ tốt.
Sinh vật mới được đặt tên là Lalieudorhynchus gandi, sống trên mảnh đất ngày nay là nước Pháp của siêu lục địa cổ đại Pangea vào thế Guadaliupian của kỷ Permi (Nhị Điệp), tức khoảng 264 triệu năm về trước, thuộc nhóm bò sát tiền sử 4 chân Caseidae và có khả năng là một loài lưỡng cư.
Theo Sci-News, quái vật này không phải khủng long mà thuộc họ Caseidae, một nhóm động vật có vú và họ hàng gần, tồn tại từ kỷ Than Đá đến kỷ Nhị Điệp. Nhóm động vật này đã từng được khai quật ở bang Pennsylvania - Mỹ và vùng Siberia - Nga.
Hình ảnh phục dựng của nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Ralf Werneburg từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Lâu đài Bertholdsburg Schleusingen - Đức cho thấy nhóm bò sát tiền sử này có thân hình mũm mĩm và lối sống tương tự hà mã (dành phần thời gian ở dưới nước, thường chỉ quay trở lại đất liền để kiếm ăn), nhưng phần đầu và đuôi lại giống thằn lằn. Quan sát dưới kính hiển vi cho thấy cấu trúc xương của Lalieudorhynchus gandi xốp và linh hoạt hơn, gợi ý rằng chúng bơi tốt hơn so với hà mã.
"Trong khi những con đầu tiên thuộc nhóm này có kích thước nhỏ đến vừa phải, những loài sau có hình dạng cơ thể rất đặc biệt, với thân khổng lồ hình thùng, hộp sọ tam giác tương đối nhỏ, răng nanh lớn và các răng khác như chiếc lá, những chi khổng lồ kết thúc bằng ngón ngắn" - tiến sĩ Werneburg mô tả.
Lalieudorhynchus được cho là tổ tiên của một số loài động vật có vú và là một trong những sinh vật ăn cỏ sớm nhất trong lịch sử tiến hóa với cơ thể hình thùng chứa các đường tiêu hóa lớn để phân hủy thực vật.
Mặc dù to lớn như con hà mã, mẫu vật cho thấy những yếu tố pha trộn giữa sự trưởng thành và chưa trưởng thành. Sự kết hợp này trong tiến hóa giúp quái vật vừa có những sức mạnh để tồn tại như một con trưởng thành, vừa giúp quá trình tăng trưởng không bị "chốt hạ", giúp nó đạt được kích thước còn khổng lồ hơn về sau.