Sáng 4/12, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết một số điều của Luật MTTQ Việt Nam.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Vũ Trọng Kim,
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha chủ trì cuộc họp.
Theo Ban soạn thảo, tổ biên tập, việc xây dựng Nghị quyết liên tịch nhằm quy định chi tiết về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam qua đó đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri. Nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát và phản biện xã hội, đổi mới cơ chế, phương thức của hoạt động này nhằm đảm bảo quyền dân chủ, góp phần nâng cao hiệu quả và xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND gồm 7 chương và 58 điều trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND; Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Nội dung nghị quyết liên tịch hướng dẫn thi hành các điều 27, 34 của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội dự kiến gồm 5 chương 17 điều, quy định các hình thức giám sát, hình thức phản biện; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.
Theo kế hoạch từ 18/11 đến 28/12, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức họp, thảo luận, thông qua kế hoach xây dựng các nghị quyết liên tịch, đề cương định hướng, phân công trách nhiệm cho các thành viên. Ban soạn thảo gửi xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố về Nghị quyết liên tịch về việc quy định chi tiết đối với việc tiếp xúc cử tri.
Gửi xin ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, 5 tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết hình thức giám sát phản biện và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Từ cuối tháng 12/2015 đến 15/2/2016 sẽ tiến hành khảo sát thực tiễn việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Dự kiến, đến cuối tháng 2/2016, Ban soạn thảo, tổ biên tập sẽ gửi các hồ sơ Nghị quyết liên tịch đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam xin ý kiến, hoàn thiện và trình ký ban hành.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, thời gian qua việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND còn có phần hình thức, chưa thiết thực, chưa giải đáp được các câu hỏi của nhân dân. Việc xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng dẫn thi hành một số điều của MTTQ Việt Nam phải góp phần giải bài toán thực tế trên để dân chủ được phát huy, không còn hình thức trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong quá trình xây dựng Nghị quyết liên tịch cần tập trung hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ đối tượng, phạm vi của các dự thảo nghị quyết liên tịch.
Đối với nghị quyết liên tịch hướng dẫn thi hành các điều của Luật MTTQ Việt Nam, về hình thức giám sát và phản biện xã hội cần quy định cụ thể hình thức nội dung quy trìn thực hiện giám sát, trách nhiệm pháp lý, việc trả lời những kiến nghị, thể hiện rõ hơn việc giám sát thường xuyên của nhân dân.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim cũng lưu ý cần phải có quy trình tiến hành khảo sát thực tiễn thông qua gặp gỡ, đối thoại với với các đại biểu Quốc hội, HĐND, phát phiếu điều tra để việc khảo sát có chiều sâu, đến được với nhân dân. Đặc biệt cần tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia trong các lĩnh vực hành pháp tư pháp để nghị quyết đạt chất lượng cao nhất.
Cũng trong buổi chiều 4/12, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đã chủ trì họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị quyết thực hiện Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp năm 2015.
Mục đích nhằm quy định thống nhất, chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 5 điều 45; khoản 4 điều 52; khoản 6 điều 54; khoản 2 điều 92 của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND.
Theo Ban Soạn thảo, tổ biên tập, sau khi tiến hành quy trình thủ tục thành lập, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiến hành xây dựng dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết.
Trong tháng 12/2015 sẽ tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học về dự thảo Nghị quyết lần I, tổ chức lấy ý kiến của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn để hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo lần II.
Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ hoàn chỉnh tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết vào cuối tháng 12/2015.