Ngày 7/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng dự.
Tính độc lập gắn với chịu trách nhiệm người đứng đầu
Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), từng là Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Trên thực tế đã có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng của cơ quan quản lý nhà nước trước khi người đứng đầu cơ quan thanh tra ký kết luận. Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có sự lệch lạc” - ông Trí dẫn chứng và cho rằng, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả thì luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.
Liên quan đến báo cáo kết quả thanh tra, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị, bổ sung, sửa đổi khoản 3, Điều 69 theo hướng: Trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ như: yếu kém về năng lực quản lý; thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, cần phải bổ sung một nhiệm vụ là cơ quan thanh tra có trách nhiệm thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan nhà nước và UBND cấp dưới. Theo đó, cần làm tốt việc thanh tra trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như UBND cấp dưới thì sẽ nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đối với Ban tiếp công dân cấp huyện nên giao cho cơ quan thanh tra tập trung vào một đầu mối để làm tốt hơn cái chức năng tham mưu, chức năng quản lý nhà nước đối với công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Cụ thể các vấn đề để người dân kiểm tra, giám sát
Cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương lớn của Đảng là thực hiện dân chủ cơ sở với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng. Trong đó, phạm trù về kiểm tra, giám sát là một trong những nội dung rất lớn. Tuy nhiên lại chưa có giải thích rõ thế nào là kiểm tra nhân dân và giám sát nhân dân. Từ đó ông Thắng đề nghị, bổ sung vào điều về giải thích từ ngữ các khái niệm “kiểm tra nhân dân” và “giám sát nhân dân” để xác định nội dung, phạm vi, đối tượng, thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát nhân dân.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, cần nâng cao tính dân chủ thực sự trong luật để nâng cao tính dân chủ theo đúng tinh thần của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thành một điều luật rõ ràng, cụ thể các khách thể, đối tượng người dân có quyền biết, bàn, kiểm tra và giám sát để tránh một số đối tượng lạm dụng quyền biết, bàn, kiểm tra, giám sát để chống phá, kích động, lôi kéo khiếu nại, tố cáo. “Cần quy định rõ các nội dung công dân, cán bộ, công chức được quyền biết thì được quyền kiểm tra và giám sát. Bên cạnh đó, cần đặt các chế tài để tăng tính dân chủ thực sự cho luật, đảm bảo nếu người dân bàn, kiểm tra, giám sát đúng thì đối tượng chịu kiểm tra, giám sát phải thực hiện và thay đổi”- ông Mai cho hay.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), cần có Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã, phường nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, cần có cơ chế để Ban Thanh tra nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.
Về nội dung công khai, Điều 11, Khoản 3 của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở liên quan đến việc công khai về đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời. Ví như nếu để chậm trễ trong việc công khai về đất đai là nhân dân rất khổ và nếu công khai không rõ ràng thì lại là môi trường rất tốt, màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển. Cho nên, cần có quyết định để đảm bảo được việc công khai về lĩnh vực đất đai.
Gợi mở các vấn đề trước khi thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quan điểm của Đảng ta về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu và động lực để khơi dậy sức mạnh, nguồn lực nhân dân trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân. Đến nay còn một số vấn đề đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm như: điều chỉnh việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, và đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định để luật có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không?