Văn hóa

Phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nam

Phạm Sỹ 17/11/2023 09:18

Hà Nam là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa, với một kho tàng di sản đồ sộ. Những năm qua, tỉnh Hà Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, bảo tồn và có các giải pháp biến các tiềm năng ấy thực sự trở thành nguồn lực và thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

anh-1-bai-tren.jpg
Phát hiện khảo cổ học tại hang Đội 4, Tam Chúc.

Hà Nam hiện có 1.888 di tích, trong đó có 133 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 12 di sản được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó có những Lễ hội truyền thống như: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ Phát lương Đức Thánh Trần Đền Trần Thương, Lễ hội Vật Võ Liễu Đôi...

Hà Nam còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật, cổ vật và bảo vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, tiêu biểu như: Tượng Kinari, tượng Kim Cương thời Lý ở Chùa Đọi Sơn, cuốn sách bằng đồng có tên “Cầu Không kỳ tứ” niên hiệu Hồng Đức 2 ở Lý Nhân. Cùng với đó là 4 Bảo vật quốc gia: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Tiên Nội dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước.

anh-2-bai-tren.jpg
Quần thể danh thắng Tam Chúc. Ảnh: P.Sỹ.

Quần thể danh thắng Tam Chúc trên mảnh đất này còn chứa đựng nhiều giá trị vật thể, đặc sắc. Về giá trị du lịch, quần thể danh thắng Tam Chúc đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia, với diện tích 5.100ha. Với những giá trị vô cùng quý giá, đầu năm 2023, quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Hà Nam cũng là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống: hát chèo, dân ca, hát Dậm Quyển Sơn, hát trống quân Liêm Thuận, dân ca giao duyên ngã ba sông Móng; Hoàn vương ca tích. Như nhiều vùng quê của đất nước, Hà Nam luôn tự hào là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” trong suốt tiến trình lịch sử.

Ông Nguyễn Anh Chức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, ý thức sâu sắc về giá trị di sản văn hóa mà tiền nhân đã trao tuyền, trong những năm qua, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã nỗ lực trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh nhà, từng bước có các giải pháp phát huy các tiềm năng ấy thực sự trở thành nguồn lực và thế mạnh cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Với sự nỗ lực chung của các cấp, ngành và nhân dân, hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nam đã có những chuyển biến tích cực. Một số tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh với những sản phẩm hấp dẫn đã được các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác để phục vụ du khách.

Ông Tạ Đình Quyền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam đã có những kế hoạch, tour tuyến gắn với các khu du lịch tâm linh và các sản phẩm du lịch của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, với những gì mà Hà Nam đang có, cộng với những phát hiện mới về lịch sử, nếu Hà Nam đầu tư tốt, có chiến lược thì Hà Nam sẽ là điểm đến ưu tiên trong lựa chọn của du khách.

Tuy nhiên, theo GS Lê Văn Lan, việc biến di sản thành tài sản, đặc biệt là tài sản du lịch ở nước ta nói chung và Hà Nam nói riêng chưa làm được mấy. Chúng ta đã có ý thức, chúng ta đã có cố gắng. Nhưng còn phải tiếp tục nỗ lực, chờ những điều kiện mà sự thông sáng và khéo léo của những người phụ trách, những người có trách nhiệm đối với công tác này, cùng với sự đóng góp của người dân thì mới có được những điều mà chúng ta hi vọng, mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO