Cùng với gần 100 triệu người dân sinh sống trong nước, Việt Nam còn có gần 5 triệu kiều bào ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có vai trò quan trọng với sự phát triển các lĩnh vực ở trong nước. Mặc dù ở xa quê hương nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn.
Ở những quốc gia đa văn hóa như Mỹ, Australia, Canada, Nga, Cộng hòa Séc…cộng đồng người Việt thường có xu hướng giữ gìn bản sắc riêng của mình. Họ coi đó là một nhiệm vụ, một quyền lợi và là một sứ mệnh.
Trên thực tế, chính quyền sở tại mong muốn các cộng đồng châu Á hòa nhập tốt với xã hội bản xứ song vẫn muốn họ giữ lại bản sắc của mình. Nước Mỹ là một ví dụ điển hình, thanh, thiếu niên kiều bào tại nơi đang sống luôn nhận thức rằng họ là con cháu người Việt và cộng đồng của họ vẫn mang đậm sắc thái văn hóa Việt.
Cùng với những hoạt động sáng tạo, trình diễn, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, cộng động người VN ở nước ngoài đã góp phần tích cực bảo lưu được bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc. Những nét đẹp của bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc đã được giữ gìn và phát triển trong cộng đồng.
Trong sâu thẳm tâm thức, đồng bào vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam, vẫn luôn coi mình là nòi giống con Lạc cháu Hồng. Một số loại hình nghệ thuật truyền thống đã được các văn nghệ sĩ, trí thức là người VN ở nước ngoài bảo tồn. Nhu cầu về sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đang ngày càng phát triển.
Thống kê hiện nay có khoảng 300 ngàn chuyên gia, trí thức người VN ở nước ngoài có trình độ từ đại học trở lên, có kỹ thuật, tay nghề cao. Trong số trên 1,6 triệu người Việt tại Mỹ có hơn 1 triệu người trên 25 tuổi, trong đó gần 190 ngàn người có trình độ đại học hoặc trên đại học. Trí thức người Việt tại Pháp khoảng 40 ngàn người, Canada hơn 20 ngàn người, tại các nước Đông Âu hiện có khoảng 5 ngàn người.
Trí thức người Việt có mặt ở hầu hết các ngành và lĩnh vực khoa học kỹ thuật, từ điện tử, sinh học, vật liệu, năng lượng mới, tin học cho đến hàng không, vũ trụ, hải dương. Đặc biệt, thế hệ trẻ người VN ở nước ngoài nhiều người đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được các cơ quan truyền thông nước ngoài ca ngợi.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên từ trong nước ra nước ngoài học tập những năm gần đây ngày càng nhiều. Một bộ phận ở lại tu nghiệp, tìm việc và bổ sung vào lực lượng chuyên gia, trí thức kiều bào.
Đề cập vấn đề này, TS Lương Bạch Vân- Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, cho biết: hiện nay, phần lớn chuyên gia, trí thức kiều bào về nước là thế hệ thứ nhất. Họ mới chỉ có thể đóng góp ở một số lĩnh vực nhất định như đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, huấn luyện,...
Trong khi thế hệ thứ 2 và thứ 3 chiếm số lượng rất lớn nhưng trở về đóng góp chưa nhiều. Nếu chúng ta có chính sách hợp lý, tạo điều kiện tốt để họ trở về thì chắc chắn, đội ngũ này thực sự là lực lượng nòng cốt, góp tay vào xây dựng đất nước.
“Thế hệ này thực sự là mỏ vàng cần khai thác, và nên có chính sách khuyến khích”- TS Lương Bạch Vân khẳng định.