Phát huy những cách làm sáng tạo trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Lê Khánh 06/07/2023 14:16

Sáng 6/7, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị quán triệt triển khai chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư TƯ Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

Công tác đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo TTATGT trong tình hình mới trên cơ sở tổng kết 10 năm Chỉ thị 18 năm 2012, bổ sung chủ trương giải pháp mới phù hợp bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình mới, tạo sự thống nhất trong toàn quốc để tổ chức thực hiện.

"Công tác đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đảm bảo TTATGT. Trong các năm 2003, 2012, 2023, cứ mỗi 10 năm, Ban Bí thư đều có chỉ thị chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn giao thông. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT.

Quang cảnh hội nghị.

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư đến nay, các cấp, các ngành đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị 18.

Trong đó đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của toàn dân, góp phần làm chuyển biến tích cực trong đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trong thời gian gần đây, đã có nhiều cách làm sáng tạo như kiểm soát nồng độ cồn, kiểm soát xe quá tải, quá khổ…

Qua đó, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã có chuyển biến rõ nét, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm mạnh. "Năm 2022 đã giảm 3.000 người chết so với năm 2012, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm 548 người chết do TNGT.

Tuy nhiên, những chuyển biến đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình hình TTATGT vẫn còn tiềm ẩn những phức tạp. Thiệt hại do TNGT gây ra vẫn rất lớn. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 20.000 vụ TNGT, làm chết 7.000 người, bị thương khoảng 16.000 người. Trong đó khoảng 70% số người chết, bị thương trong độ tuổi lao động, gây hệ luỵ rất nặng nề cho xã hội, khiến người dân lo lắng, bất an khi tham gia giao thông", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác này, công tác quản lý Nhà nước về TTATGT còn nhiều bất cập, chưa xác định rõ trách nhiệm từng lĩnh vực dẫn đến hiệu lực, hiệu quả.

Xét xử hơn 41.000 vụ án, khởi tố hơn 42.000 bị can

Tại hội nghị, báo cáo tóm tắt 10 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, trong 10 năm qua (2013 – 2022), Đảng uỷ Công an TƯ và Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông (ATGT); đã lập biên bản, xử lý trên 40 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt hơn 27.000 tỷ đồng; công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, xét xử hơn 41.000 vụ án, khởi tố hơn 42.000 bị can.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo tóm tắt 10 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư.

Bên cạnh những yếu tố tích cực đã đạt được như công tác tuyên truyền về ATGT được đẩy mạnh, kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cao tạo chuyển biến tích cực của giao thông qua từng năm thì việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 18 ở một số địa phương và đảng bộ, chi bộ cơ sở còn chậm; nhiều chi bộ triển khai mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu; một số cán bộ đảng viên chưa thực sự gương mẫu, nêu gương chấp hành pháp luật về giao thông, còn tình trạng vi phạm pháp luật giao thông nghiêm trọng, sử dụng rượu bia, gây tai nạn giao thông chết người, một số trường hợp có biểu hiện chống đối.

"Công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT trong một số lĩnh vực như quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đào tạo sát hạch cấp lái xe, kiểm định, an toàn kỹ thuật, môi trường ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chậm được khắc phục và có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực", Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nói.

Thứ trưởng cho hay, một số địa phương thi công công trình giao thông kéo dài, chưa có biện pháp khắc phục, gây mất ATGT; ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến cao tốc, cửa ngõ vào đô thị lớn, tình trạng chống người thi hành công vụ có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, mức độ nghiêm trọng, liều lĩnh thể hiện sự coi thường pháp luật, kỷ cương gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ.

"Tính riêng đối với lực lượng CSGT đã xảy ra 362 vụ chống người thi hành công vụ làm 4 chiến sĩ hy sinh và 194 chiến sĩ bị thương", Thiếu tướng Long thông tin.

"Ban Bí thư Ban hành Chỉ thị số 23 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới là rất kịp thời, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong đảm bảo TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những cách làm hay, sáng tạo Chỉ thị của Ban Bí thư; phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại nhất là những khó khăn về pháp luật, cơ chế, chính sách, sự phối hợp, từ đó, kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới; tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị 23 của Ban Bí thư; thảo luận các biện pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu yêu cầu của Ban Bí thư đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy những cách làm sáng tạo trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO