Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam có được thành lập cơ sở tôn giáo? Đó là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra, và yêu cầu làm rõ tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ngày 8/9.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã dành một mục với 7 điều luật quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và thiết kế một điều về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài trong Chương Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam.
Song theo nhiều ĐB quy định như trong Dự thảo luật còn nhiều kẽ hở. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng “quy định như vậy là vừa mở vừa không rõ”. Ông Hồng đặt vấn đề: Luật phải trả lời được câu hỏi: Người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có được thành lập tổ chức cơ sở tôn giáo hay không? Trong khi dự thảo Luật hiện nay chưa trả lời được vấn đề này.
“Khi thành lập người đại diện phải là công dân Việt Nam, vậy do người Việt Nam hay một tổ chức nước ngoài đã sinh sống tại Việt Nam lâu năm và bây giờ họ muốn thành lập riêng tôn giáo của họ?” - ông Hồng nêu vấn đề cùng với những thắc mắc số lượng tín đồ không quy định là bao nhiêu vậy kiểm tra thế nào? Chúng ta thiếu quy định tối thiểu là bao nhiêu người là chưa chặt cho nên cần quy định cho rõ.
Theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại Việt Nam. “Vậy giảng đạo ở đâu?”-ông Tám đưa ra câu hỏi và cho rằng, nhà tu hành, chức sắc chỉ được truyền đạo ở cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp chứ không thể ở đâu cũng được giảng đạo.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền mang theo đồ dùng, xuất bản phẩm tôn giáo vào Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ bởi họ sẽ lợi dụng thời điểm đang hội nhập mang vào nước ta những xuất bản phẩm tôn giáo có nội dung không phù hợp khiến công tác quản lý gặp khó khăn.
dự thảo Luật quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên nhiều ĐB cho rằng cần bổ sung thêm để đảm bảo tính chặt chẽ. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bổ sung thêm quy định cấm lợi dụng uy tín của cá nhân để tổ chức vận động lôi kéo tín đồ tôn giáo gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, trái với quy định của Nhà nước.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thì cho rằng, quy định cấm ép buộc cản trở người khác theo hoặc không theo tôn giáo nhưng người đi truyền đạo trong nhân dân nhằm lôi kéo dân thì có cấm không? “Theo tôi phải nên cấm. Đã theo thì phải tự nguyện chứ đi tuyên truyền lôi kéo là cấm”-ông Tám bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nói: “Nên quy định chặt chẽ hơn vì thực tế tà đạo Hà Mòn, hay tin lành Đề Ga đã khiến cả hệ thống chính trị vào cuộc và mất rất nhiều thời gian để xóa bỏ. Nếu không quy định chặt chẽ thì người dân rất dễ bị lôi kéo”.
Trong buổi chiều, các ĐB cho ý kiến về dự thảo Luật về Hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đề nghị làm rõ 4 vấn đề, bởi ông đã có ý kiến về dự án Luật này từ Quốc hội khóa XIII, tuy nhiên đến nay cứ treo mà không có sự giải thích rõ ràng. Ông Cương cho rằng, điều đầu tiên là không đưa ra khái niệm thế nào là Hội?
Cũng theo ông Cương, quyền lập Hội là quyền tự do công dân, nhưng không có tư cách pháp nhân lại không được thành lập Hội như vậy lại mâu thuẫn với nhau. Cho nên cần nghiên cứu bổ sung và không thông qua tại kỳ họp thứ 2. ĐB Đặng Xuân Phương (Đắc Lắc) cũng đồng tình với ĐB Cương.