Ngày 16/9, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của MTTQ Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước là một trong những quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được ghi nhận trong các văn kiện quan trọng của Đảng, trong Hiến pháp và pháp luật về MTTQ Việt Nam. Trong những năm qua, nhiều Nghị quyết, văn bản của Đảng đã nêu rõ quan điểm về công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước, những năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trên nhiều mặt hoạt động: Mặt trận các cấp tích cực tham gia xây dựng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; tham gia xây dựng bộ máy nhà nước; ký kết và triển khai thực hiện các văn bản quy định, quy chế phối hợp, Chương trình phối hợp công tác với các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền từ Trung ương tới địa phương; thực hiện giám sát, phản biện xã hội,... qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, có nơi chưa chủ động trong tham mưu với cấp ủy và phối hợp với chính quyền để kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở địa phương, cơ sở…
“Chính vì vậy, Hội thảo khoa học lần này là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp và đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, qua đó thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, MTTQ cần đổi mới phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước để đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Trong đó, MTTQ các cấp cần xây dựng quy chế phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, đa dạng hình thức tiếp xúc cử tri, phản ánh đầy đủ, trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, cần đổi mới việc phối hợp giữa Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn với chính quyền cùng cấp trong việc vận động và bảo đảm điều kiện để nhận diện thực hiện, thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở; tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, từ những khó khăn, tồn tại đã nêu trong việc thực hiện các hoạt động của Mặt trận trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung và xây dựng các đạo luật. Trong đó cần sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam theo hướng quy định quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, quy định đầy đủ cơ chế về các phương thức để thực hiện nhiệm vụ cụ thể.
Thêm vào đó, để MTTQ các cấp thực hiện tốt công tác này, cơ quan Nhà nước, chính quyền ở mỗi cấp cần phải phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam thông qua xây dựng Quy chế phối hợp trên các lĩnh vực công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Ở góc độ thực tiễn tại cơ sở, bà Tạ Thị Kim Lân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho rằng, công tác phối hợp giữa Mặt trận với HĐND, UBND và các ngành trong tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các kỳ họp HĐND và trong thực hiện các chương trình phối hợp là rất quan trọng. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong hoạt động này sẽ giúp những ý kiến cử tri do Mặt trận tổng hợp được phản ánh toàn diện đến cấp ủy, chính quyền, qua đó giúp cấp ủy, chính quyền nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của nhân dân.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, các ý kiến đã gợi mở thêm nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của MTTQ Việt Nam hiện nay; góp phần làm sáng tỏ quy định về quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam đã được quy định trong Luật, giúp cho việc thực hiện các quy định của Luật MTTQ Việt Nam được đầy đủ, đúng đắn, hiệu quả hơn.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, MTTQ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước không những góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước mà còn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo để hoàn thiện kết quả nghiên cứu về phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của MTTQ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.