GS Trần Ngọc Đường đề xuất, các bộ, ngành cần có sự quan tâm hơn trong việc phát huy dân chủ, vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng pháp luật.
Chiều ngày 29/9, tại Hà Nội, Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chính thức khai mạc. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên trong thời gian qua và thống nhất một số trọng tâm phối hợp công tác thời gian tới.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu tham dự để đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên trong thời gian qua và đề xuất một số trọng tâm phối hợp công tác thời gian tới.
Tại Hội nghị, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, những năm qua, hoạt động tư pháp có sự đổi mới, chất lượng lập pháp được nâng lên.
MTTQ Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều cuộc phản biện các dự thảo luật có chất lượng tốt với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tư pháp.
Tuy nhiên hoạt động này còn mang nặng tính hình thức, thể hiện ở điểm, các cơ quan soạn thảo chưa coi trọng ý kiến tại các cuộc góp ý, phản biện khi những người đại diện của cơ quan soạn thảo tại các cuộc phản biện đôi khi không phải là thành viên quan trọng trong tổ soạn thảo, chưa đủ năng lực để giải thích, làm rõ các vấn đề của Hội đồng phản biện.
GS Trần Ngọc Đường đề xuất, các bộ, ngành cần có sự quan tâm hơn trong việc phát huy dân chủ, phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng pháp luật, đảm bảo chất lượng các dự án luật phù hợp với thực tiễn đời sống và đáp ứng được ý nguyện của nhân dân.
Bên cạnh đó, giám sát xã hội cũng là chức năng mới của Mặt trận. Thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức được nhiều hội nghị giám sát đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, do đây là hoạt động mới nên nhận thức của các bên khi tiếp cận còn hạn chế, chưa đầy đủ nên các kết luận giám sát chưa được các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải đáp thỏa đáng.
Vì vậy, GS Trần Ngọc Đường mong muốn, các cơ quan có thẩm quyền trong mỗi cuộc giám sát cần chú trọng trả lời kết quả thực hiện kiến nghị của giám sát, tăng cường sự phối hợp trong hoạt động giám sát, từ đó giúp nâng cao chất lượng của giám sát xã hội.