Phát huy vai trò hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên

Anh Vũ Ảnh: Thành Trung 14/04/2017 12:00

Trong khi nhân lực không tăng lên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải tăng sức mạnh tổ chức, hoạt động qua việc phát huy vai trò hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên nhưng vẫn giữ tính độc lập tự chủ của từng tổ chức.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc hội nghị.

Ngày 14/4, tại Hà Nội Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ở cấp huyện trong giai đoạn hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều; Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng, đại diện một số ban Đảng, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam hơn 20 quận, huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Tăng cường phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên

Tại Hội nghị nhiều ý kiến tâm huyết của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã được gửi tới Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH.

Ông Huỳnh Minh Cường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho rằng: Công tác tổ chức cán bộ của MTTQ và các đoàn thể nhận được sự quan tâm, củng cố, đổi mới theo hướng chuẩn hóa trẻ hóa. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn bất cập, đó là sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của Mặt trận và các đoàn thể CT-XH.

Theo ông Cường, việc cơ quan chuyên trách MTTQ và các đoàn thể CT-XH cấp huyện không được tổ chức thành bộ máy chính thức, mỗi tổ chức chỉ được giao số lượng biên chế nhất định từ 3-5 người nên việc huy động sức mạnh tổng hợp hiệu quả thấp.

"Quy định như vậy thì cán bộ chủ yếu là giải quyết công việc hành chính hàng ngày và hội họp, không có người, thời gian để giải quyết nhiệm vụ của cơ sở và những nhiệm vụ phát sinh hàng ngày trong nhân dân”, ông Cường bày tỏ.

Theo đó ông Cường kiến nghị, Trung ương cần có quy định cụ thể về bộ máy chung của khối theo hướng trưởng khối là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phó trưởng khối là trưởng các đoàn thể CT-XH. Các bộ phận giúp việc gồm xe ô tô, lái xe chung, văn thư chung. Bên cạnh đó vẫn duy trì tính tự chủ của từng đoàn thể như chủ tài khoản vẫn theo từng cơ quan, thủ quỹ riêng cho từng cơ quan.

Quang cảnh hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cát Hải, TP Hải Phòng Nguyễn Thị Hương cho rằng, thực tế hiện nay, các nội dung công việc triển khai về cấp huyện hiện đang quá tải.

“Biên chế tại Mặt trận huyện Cát Bà hiện có 3 người, trong đó 1 cán bộ chuyên đảm nhiệm trách nhiệm đi họp với trên 17 cuộc họp trong 1 tháng. Còn 2 cán bộ thì 1 cán bộ phụ trách phong trào và một cán bộ phụ trách công tác chung. Cán bộ phải căng ra thì mới hoàn thành hết nhiệm vụ”, bà Hương tâm tư.

Bà Hương đề nghị cần tăng cường việc hiệp thương và phối hợp trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Đây sẽ là bước ngoặt trong thực hiện cải cách hành chính, không bị chồng chéo các phong trào, các cuộc vận động.

Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đống Đa, Hà Nội Đỗ Trọng Nam đề nghị cần có giải pháp đổi mới tổ chức, hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả của MTTQ và các đoàn thể CT-XH. Theo đó cần có chiến lược về công tác cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lâu dài đội ngũ cán bộ Đảng, MTTQ và các đoàn thể về mọi mặt từ năng lực, trình độ chuyên môn đến tư tưởng, chính trị, đạo đức, phong cách công tác nhất là phương pháp, kỹ năng về công tác dân vận.

Cần làm điểm trước khi thực hiện đại trà

Chia sẻ về kinh nghiệm bước đầu trong việc thực hiện đề án “Đổi mới mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH cấp huyện”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết, hiện tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung, cơ quan dùng chung. Việc phối hợp được thực hiện với nguyên tắc “8 chung, 15 chia”.

Mỗi tổ chức chủ trì đến 2 đến 3 nội dung, việc báo cáo cũng được chỉ đạo chung trong chỉ đạo và thông tin báo cáo. Cùng với đó là lựa chọn mô hình và tập trung một đầu mối để tập huấn. Việc kiểm tra giám sát cũng được phối hợp để đánh giá.

Bà Đỗ Thị Hoàng đề nghị cần thí điểm từ những mô hình nhỏ để rút kinh nghiệm, chỉ đạo hướng dẫn điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt chia sẻ, năm 1986 khi chúng ta đổi mới đã đặt ra vấn đề là phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng một cách đồng bộ. Chúng ta phải xếp sắp tổ chức phải cho gọn, cho tinh, đỡ biên chế nhưng những cái cần vẫn phải làm chứ không phải vì thế mà bớt đi lực lượng.

Qua việc tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn thực hiện đề án xây dựng MTTQ và các đoàn thể CT-XH là một tổ chức thống nhất, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng đây là việc làm mới, ở bước đầu nên hết sức thận trọng trong đánh giá. Đặc biệt nên chú ý không nên xem nhẹ các Hội chính trị, kinh tế, nghề nghiệp vì những Hội này cũng đều rất quan trọng để giúp Đảng mạnh lên, cho chế độ tốt đẹp hơn.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt phát biểu.

Từ đó ông Phạm Thế Duyệt đề nghị, Trung ương phải đổi mới sự lãnh đạo cụ thể là trong mối quan hệ Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể thành viên của Mặt trận. Cùng với đó nghiên cứu về mô hình Đảng đoàn khối Dân vận, Mặt trận và có sự bàn bạc kỹ lưỡng thống nhất thông suốt để quyết định thực hiện từ trên xuống xuống, trên trước dưới sau.

Ông Phạm Thế Duyệt cũng đề nghị đối với cần phải làm rõ chức năng nhiệm vụ của Mặt trận, các Hội trong đó cần Mặt trận cần quan tâm giúp Đảng thực hiện giám sát, phản biện xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng…

Ông Nguyễn Túc phát biểu.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng vấn đề hoạt động của cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH ở cấp huyện làm sao có hiệu lực, hiệu quả tránh trùng lắp đã và đang là vấn đề bức bách đặt ra cho hệ thống chính trị. Song đổi mới trên cơ sở nào để không vi phạm, không trái với quy định hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của MTTQ và các tổ chức CT-XH.

“Đề án xây dựng MTTQ và các đoàn thể CT-XH là một tổ chức thống nhất của Quảng Ninh, cần được xem xét một cách thận trọng để không trái với cương lĩnh của Đảng với Nghị quyết của Đại hội Đảng 12 cũng như luật MTTQ Việt Nam”, ông Nguyễn Túc đề nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng Trần Văn Dư bày tỏ, MTTQ cấp huyện chỉ là một cấp thực hiện và chuyển tải công việc từ cấp tỉnh cho cấp xã thực hiện. Chính vì vậy, cần quan tâm chọn đột phá là Mặt trận cấp phường, xã, bởi đây chính là nơi đi vào thực tiễn từng hộ gia đình, từng tầng lớp nhân dân.

Ông Dư đề nghị đối với đề án xây dựng MTTQ và các đoàn thể CT-XH là một tổ chức thống nhất nên được khảo sát trong thực tiễn và cần làm điểm trước khi thực hiện đại trà.

Quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở

Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đến nay các chương trình hoạt động lớn của Mặt trận đã được định hình và bước đầu đạt hiệu quả. Tuy nhiên thực tế đặt ra cần xem xét năng lực của đội ngũ cán bộ ở cấp huyện, xã để phát huy sức mạnh các tổ chức thành viên trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện đội ngũ cán bộ của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương là khoảng từ 180 đến 250 người, còn ở cấp tỉnh là khoảng từ 20 đến 30 người, ở cấp quận huyện từ 4-8 người, thậm chí có huyện, Uỷ ban MTTQ chỉ có từ 1-3 cán bộ. Các tổ chức CT-XH như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có từ 3-7 người, Hội nông dân có từ 3-6 người, Hội CCB có từ 2-4 người, LĐLĐ Việt Nam có từ 2-4 người.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, nếu một huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam có 4 người gồm 1 Chủ tịch 2 Phó Chủ tịch, 1 Chánh văn phòng, dẫn đến tình trạng không thể lập được các ban chuyên môn, các chức năng chuyên môn không thể đạt được chuyên sâu mà phải hướng đến cán bộ đa năng.

Khẳng định trong thời gian tới, thách thức đặt ra cho Mặt trận ngày càng nặng nề, trong khi đó nhân lực không thay đổi, không tăng lên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải tăng sức mạnh tổ chức và hoạt động qua việc phát huy vai trò hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên để phát huy sức mạnh đại đoàn kết nhưng vẫn giữ tính độc lập tự chủ của từng tổ chức.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác Mặt trận qua việc thực hiện các đợt tập huấn hàng năm; triển khai tập huấn toàn quốc cho cán bộ Mặt trận các cấp qua mạng. Cùng với đó, các văn bản cấp tỉnh, huyện hướng dẫn xuống phường, xã cần được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất không nên hướng dẫn nhiều lần.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt với các đại biểu.

Hoan nghênh Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành bước đầu đã có những nỗ lực đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần nghiên cứu để trong quý III và quý IV-2017, UBTƯ MTTQ Việt Nam và 5 tổ chức CT-XH tiến hành khảo sát về những mô hình đổi mới tổ chức và kinh phí của Mặt trận các cấp, qua đó có kiến nghị để duy trì hoạt động Mặt trận ngày càng hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc thực hiện mô hình MTTQ và các đoàn thể là một thể thống nhất, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý việc triển khai thí điểm việc hợp nhất cần có lộ trình sơ kết toàn diện để Mặt trận và các tổ chức CT-XH có thêm cơ sở và cái nhìn tổng quát để đổi mới trong tổ chức và hoạt động.

Đối với những địa phương có điều kiện Mặt trận và các đoàn thể dùng chung cơ sở vật chất, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích nên tổ chức thực hiện; đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần làm tốt việc hiệp thương để phát huy sức mạnh đặc thù của từng tổ chức thành viên.

Bên cạnh hiệp thương chung hàng năm, có thể có những chương trình hiệp thương ngắn hạn, chương trình hiệp thương dài hạn có sự phân vai rõ từng tổ chức để tránh chồng chéo trong thực hiện.

“Không có MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH thì hệ thống chính trị sẽ gặp nhiều khó khăn vì mỗi Mặt trận địa phương, mỗi tổ chức CT-XH là những tế bào đóng góp quan trọng vào sự phát triển, thành công của Mặt trận” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Một số hình ảnh hội nghị:

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh với các đại biểu tham dự hội nghị.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu TP Đà Nẵng.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng đại biểu tham dự hội nghị.

Ông Đỗ Duy Thường.

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch MTTQ huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Ông Đỗ Trọng Nam, Chủ tịch MTTQ quận Đống Đa, Hà Nội.

Ông Huỳnh Minh Cường, Chủ tịch MTTQ huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Giang.

Ông Nguyễn Thế Hòa, Chủ tịch MTTQ huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch MTTQ TP Vĩnh Yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO