Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai thực hiện ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, thị xã Kỳ Anh được tỉnh chấp thuận 4 ý tưởng sản phẩm OCOP gồm: Giò chả chín Hồng; Chả cá thu Sơn Phương; Vua tôm chiên xù và Nấm Thương Huyền.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hồng (chủ cơ sở chế biến Giò chả Chín Hồng, có địa chỉ tại phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) cho biết, cơ sở của chị làm nghề sản xuất giò chả hơn 10 năm nay, bình quân mỗi ngày chế biến gần 3 tạ giò chả và đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động.
“Sản phẩm giò chả Chín Hồng được đông đảo khách hàng trong và ngoài địa phương ưa chuộng bởi chất lượng thơm, ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, một người dân địa phương cho hay.
Còn với chị Mai Thị Phương (chủ mô hình chả cá thu Sơn Phương, có địa chỉ tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) phát huy tiềm năng lợi thế của xã miền biển nên gia đình đầu tư làm nghề thu mua chế biến hải sản.
Từ thực tế thu mua cá tươi từ biển về, gia đình chị Phương đã chế biến sản phẩm chả cá thu hơn 10 năm nay. Mô hình chả cá thu Sơn Phương đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên, và thu mua nguồn hải sản cho hàng trăm hộ ngư dân trong và ngoài địa phương.
Bình quân mỗi ngày, cơ sở đã sản xuất và chế biến gần 3 tạ cá thu, hàng tháng xuất bán ra thị trường một lượng sản phẩm khá lớn chả cá thu được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2022, được sự quan tâm giúp đỡ của địa phương và các ngành liên quan, gia đình chị Phương đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, kết hợp với chế biến truyền thống và hiện đại để sản xuất chả cá thu với mong muốn sản phẩm của mình khẳng định được thương hiệu và là đặc sản của địa phương.
Với kinh nghiệm gần 30 năm thu mua và chế biến thủy hải sản, nhất là các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Năm 2020 công ty CP XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh đã đầu tư, quy trình sản xuất chế biến sản phẩm “Vua Tôm chiên xù”, được chế biến từ nguồn tôm nguyên liệu 100% tươi sống đánh bắt tại các vùng nuôi ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình.
Tôm tẩm bột chiên xù được sản xuất trong dây chuyền khép kín nhưng vẫn lưu giữ lại được những nét truyền thống của nguyên liệu tôm nói chung, hương vị gia truyền các loại bột tẩm ướp nói riêng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được khách hàng ưa chuộng.
Tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa để trồng nấm, nhưng thay vì trồng theo cách thông thường, chị Phạm Thị Thương Huyền (trú tại thôn Hoa Trung xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh) đã trồng nấm sò trong nhà kín với thương hiệu sản phẩm Nấm Thương Huyền.
Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Huyền đã đầu tư xây dựng nhà xưởng hơn 300 m2, làm hơn 10.000 bịch nấm. Nhờ được tập huấn quy trình sản xuất nên mô hình nấm sò trong nhà kín của chị phát triển tốt.
“Trồng nấm sò nhà kín khác nhiều so với trồng bên ngoài, nhất là vào những tháng mùa mưa thì không phải lo lắng rơm bị ướt, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây nấm. Người sản xuất có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của nấm trồng bằng trụ”, chị Huyền chia sẻ.
Xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương, thị xã Kỳ Anh đã tạo điều kiện để người dân tích cực triển khai thực hiện và đồng tình hưởng ứng; các chủ cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức, nhiều cơ sở đã được chỉnh trang nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỷ thuật phát triển sản xuất đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; bao bì nhãn mác, quy cách đóng gói ngày càng chuyên nghiệp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; công tác xúc tiến thương mại được chú trọng,… từ đó doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP đều tăng cao, bình quân tăng gần 40% so với trước khi tham gia chương trình.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai trên địa bàn thị xã Kỳ Anh ngày càng khẳng định được hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.