Phát triển công nghiệp điện ảnh: Kịch bản vẫn là ưu tiên hàng đầu

PHẠM NGỌC HÀ 23/04/2023 07:29

Không thể có một bộ phim hay nếu như không có kịch bản hay. Bởi vậy kịch bản sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định chất lượng nội dung, thông điệp và giá trị nhân văn của bộ phim. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, bởi vậy việc tìm ra những kịch bản chất lượng sẽ là mấu chốt quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng công nghiệp điện ảnh.

Cảnh trong bộ phim “Mắt biếc” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh đã từng làm mưa làm gió tại rạp chiếu phim.

Vẫn “khát” kịch bản hay

Quan sát thị trường điện ảnh Việt Nam những năm gần đây có thể thấy nhiều bộ phim Việt đã đem lại hiệu quả trong việc định hướng thưởng thức phim của công chúng. Tần suất ra mắt khá dày của các bộ phim điện ảnh do Việt Nam sản xuất đã tạo ra môi trường để điện ảnh đồng hành và hiểu sâu hơn về thị hiếu của khán giả trong nước. Nhiều bộ phim sử dụng hoàn toàn kịch bản thuần Việt và có doanh thu rất lớn như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng”, “Lật mặt”, “Mắt biếc”, “Bố già”… Gần đây, bộ phim điện ảnh “Nhà bà Nữ” đã đạt danh thu cao kỷ lục (475 tỷ đồng) sau 11 tuần công chiếu… Bên cạnh đó là một số bộ phim mặc dù không đạt được doanh thu phòng vé cao vì kén khán giả, nhưng được khen ngợi bởi kịch bản giữ được nét thuần Việt như: “Vợ ba”, “Thưa mẹ con đi”, “Trời sáng rồi ta đi ngủ thôi”...

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các nhà làm phim tư nhân hay những đơn vị làm phim nhà nước trong việc xây dựng kịch bản phim mới, có sự đầu tư nghiêm túc về mặt cốt truyện, hình ảnh chỉn chu..., kết hợp với nhiều yếu tố khác để tạo ra những tác phẩm điện ảnh được công chúng yêu thích. Tuy nhiên số lượng kịch bản xuất sắc hiện vẫn còn rất khan hiếm, chưa đủ để xây dựng điện ảnh thành ngành công nghiệp.

Thực tế, những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết vấn đề lớn là thiếu vắng kịch bản hay. Đã có không ít cuộc vận động sáng tác được tổ chức nhằm tìm kiếm kịch bản nhưng vẫn rất khó khăn để tìm được kịch bản đủ sức thuyết phục nhà sản xuất bỏ tiền đầu tư. Chính vì thế đã dẫn đến thực trạng các nhà làm phim Việt sử dụng kịch bản Việt hóa từ phim nước ngoài (kịch bản remake). Đó là một lựa chọn an toàn cho các nhà làm phim mà vẫn có cơ hội đạt được doanh thu kỷ lục. Đối với phim điện ảnh, chẳng hạn như: “Tháng năm rực rỡ”, “Em là bà nội của anh”, “Nghề siêu dễ” (remake kịch bản Hàn Quốc); “Tiệc trăng máu” (remake kịch bản Italia)... thu về con số hàng trăm tỷ đồng. Còn đối với phim truyền hình, có thể nhắc đến một vài cái tên điển hình như: “Hương vị tình thân”, “Cầu vồng tình yêu”, “Nhà trọ Balanha”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cây táo nở hoa” (remake kịch bản Hàn Quốc), “Tình yêu và tham vọng” (remake kịch bản Trung Quốc)... thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ. Thưởng thức những bộ phim trên, không ít người cho rằng phim Việt đã có nhiều thay đổi về nội dung nhưng khi biết đó chỉ là những bộ phim được Việt hóa từ kịch bản phim nước ngoài thì họ cảm thấy khá thất vọng.

Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, phim remake có chăng chỉ giải quyết được bài toán doanh thu phòng vé và cơ hội để các nhà làm phim, biên kịch Việt Nam học tập. Bản remake dù hay và thu hút khán giả đến cỡ nào cũng không thể so sánh với những sáng tạo riêng biệt, mang đậm màu sắc văn hóa Việt của các tác phẩm thuần Việt. Người Việt vẫn khao khát được thưởng thức những câu chuyện về văn hóa Việt Nam.

Kịch bản từ lâu vẫn là một khâu yếu của điện ảnh Việt. Trong bối cảnh đó, các nhà làm phim có chiều hướng quay trở lại khai thác các tác phẩm văn học để xây dựng kịch bản phim. Đây được cho là một lựa chọn khôn ngoan của nhà làm phim. Dẫu còn không ít khó khăn, thách thức khi đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh, nhưng rõ ràng văn học trong nước vẫn luôn là “vỉa quặng” dồi dào để điện ảnh khai thác.

Cảnh trong phim "Nhà bà Nữ".

Khai thác “vỉa quặng” văn học

Trong điện ảnh vai trò của cốt truyện được nhiều khán giả quan tâm mà trong tác phẩm văn học hay thường chứa đựng những yếu tố hấp dẫn từ tình huống, tâm lý nhân vật, là mảnh đất màu mỡ để đạo diễn khám phá, khai thác, sáng tạo. Chưa kể sức thu hút trước đó của tác phẩm văn học - nhất là tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng - sẽ là điểm cộng cho việc quảng bá, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Thực tế cho thấy sự cộng hưởng của văn học đã mang lại những thành công ngoài dự đoán cho các nhà sản xuất, chẳng hạn như: Bộ phim “Vợ chồng A Phủ” sản xuất năm 1961 là một trong những bộ phim hay nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim được chính nhà văn Tô Hoài chuyển thể kịch bản kết hợp cùng tài năng của đạo diễn Mai Lộc, A Phủ và Mị đã từ văn chương bước ra màn ảnh trong một cốt truyện hấp dẫn, cảm động.

Ngay sau đó là thời kỳ của một loạt những bộ phim được chuyển thể kịch bản từ văn học như: “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố); “Làng vũ đại ngày ấy” (chuyển thể từ 3 tác phẩm của nhà văn Nam Cao là “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Sống mòn”)... Bước vào thời kỳ đổi mới, bộ phim “Tướng về hưu” của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tạo được tiếng vang lớn. Xuất hiện sau đó còn có: “Trò đời” (chuyển thể từ tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng), “Mê Thảo - thời vang bóng” (chuyển thể từ tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân), “Bến không chồng” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Dương Hướng), “Thời xa vắng” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Lê Lựu)...

Nhất là khi điện ảnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, số lượng các phim điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng nhiều và đa dạng hơn. Như phim: “Thiên mệnh anh hùng” (chuyển thể từ tác phẩm “Bức huyết thư” của Bùi Anh Tấn), “Chuyện của Pao” (chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy), “Cánh đồng bất tận” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư)... Việc các phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, như “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc” có doanh thu “khủng” càng cho thấy văn học là “vỉa quặng” quý giá đối với điện ảnh...

Sự gắn bó giữa văn học và điện ảnh trong nhiều năm qua đã phác họa lên một bức tranh mà ranh giới giữa các môn nghệ thuật đang dần bị xóa nhòa. Trong khi nhiều bộ phim hiện nay dùng chiêu trò để kéo khán giả ra rạp với kịch bản hài nhạt nhẽo cùng drama, cảnh nóng để rồi sau đó nhanh chóng bị lãng quên. Dòng phim chuyển thể lại khác, ghi lại những tác phẩm gốc vốn đã có sẵn giá trị và chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Gần đây nhất tác phẩm điện ảnh “Tro tàn rực rỡ” chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” là dự án phim độc lập đã đạt giải cao nhất tại LHP Ba châu lục tại Pháp, càng khẳng định lợi thế của kịch bản phim chuyển thể.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng sự thành công của tác phẩm văn học không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công của tác phẩm điện ảnh. Bên cạnh khá nhiều tác phẩm được chuyển thể thành công, cũng có không ít tác phẩm đã thất bại ngay từ lúc vừa ra rạp như: “Cậu vàng” (chuyển thể từ tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao), “Kiều @” (chuyển thể từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)... Vậy nên để khai thác hiệu quả nguồn chất liệu văn học luôn là thách thức với nhà sản xuất phim, biên kịch và đạo diễn.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, để chuyển thể văn học thành tác phẩm điện ảnh sống trước hết cần tài năng của biên kịch. Người biên kịch phải đọc nhiều hơn, bản thân phải gia nhập vào đời sống văn học để đồng cảm, hiểu sâu sắc thì mới có thể chuyển thể hay.

Không thể có một bộ phim hay nếu không có kịch bản hay. Trên thực tế, việc các nhà làm phim điện ảnh đang quay lại khai thác chất liệu từ văn chương là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên để có thể duy trì lâu dài và biến nó thành một xu hướng trong dòng chảy điện ảnh được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản là việc quan trọng và cần có kế hoạch dài lâu. Nếu đào tạo được nguồn nhân lực biên kịch tốt, chúng ta không những sẽ xây dựng được dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học mà còn có được một kho kịch bản hay để góp vào công cuộc xây dựng công nghiệp điện ảnh.

Đẩy mạnh quảng bá

Việc triển khai Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã và đ ang mang lại một diện mạo nhiều thay đổi cho điện ảnh Việt. Phim Việt đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị thường điện ảnh.

Việc quảng bá là một phần rất quan trọng trong việc giúp bộ phim thu hút khán giả và thu về lợi nhuận. Theo ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL), đối với công tác phát hành, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho các đơn vị phát hành phim trong nước, các rạp chiếu phim của Việt Nam, các đơn vị sự nghiệp của địa phương thì phim Việt mới vào được thị trường. Chính sách phải đi vào những điều cụ thể. Ngân sách Nhà nước phải dành cho công tác quảng bá, tích cực đầu tư tham dự các Liên hoan phim quốc tế, tổ chức các gian hàng của Việt Nam tại các hội chợ về điện ảnh, khuyến khích các doanh nghiệp đưa phim vào hệ thống chiếu phim ở nước ngoài…

Để điện ảnh Việt Nam có một diện mạo mới hơn và phát triển hướng tới công nghiệp điện ảnh, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng cần phải tập trung vào các dòng phim chính: Mấu chốt để phát triển điện ảnh là cần phải giải bài toán để phát triển cả ba dòng phim: Phim Nhà nước đặt hàng với các tác phẩm xứng tầm và có khả năng ra rạp phục vụ khán giả; phim giải trí do tư nhân sản xuất khuyến khích với những phim lành mạnh, mang thông điệp tích cực về cuộc sống; phim nghệ thuật được ghi nhận tại các Liên hoan phim quốc tế do Quỹ điện ảnh hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó là thực hiện các chiến lược quảng bá, thu hút các hãng phim nước ngoài đầu tư, hợp tác sản xuất phim với Việt Nam. Trong thời gian tới, muốn điện ảnh Việt Nam có tác phẩm đạt tầm cỡ thế giới, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện những tài năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển công nghiệp điện ảnh: Kịch bản vẫn là ưu tiên hàng đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO