Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km. Vì vậy, để giảm chi phí cho việc duy tu, bảo trì, thay thế linh kiện, Hà Nội cần quan tâm nghiên cứu đầu tư nền công nghiệp phụ trợ đường sắt đô thị.
Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.
Hiện tại ở Hà Nội, 2 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đã khai thác thương mại là Nhổn -ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển hàng trăm triệu hành khách.
Đường sắt đô thị đi vào hoạt động không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân mà còn kết nối các khu vực khác nhau trong thành phố, tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy thương mại qua các loại hình dịch vụ, công nghiệp phụ trợ.
Vì vậy, phát triển hệ thống ĐSĐT đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của hệ thống ĐSĐT. Việc xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ ĐSĐT là vô cùng cần thiết.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ, ngành công nghiệp phụ trợ ĐSĐT không chỉ liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn bao gồm nhiều loại hình dịch vụ khác nhau nhằm hỗ trợ ĐSĐT vận hành hiệu quả.
"Trong tương lai, việc xây dựng một nền công nghiệp phụ trợ để chủ động cung cấp các vật tư, vật liệu thay thế cho duy tu bảo dưỡng hệ thống ĐSĐT, làm nền tảng bước đầu cho xây dựng nền công nghiệp sản xuất ĐSĐT là mục đích Hà Nội cần tập trung hướng tới.
Hệ thống ĐSĐT yêu cầu một lượng lớn các linh kiện và thiết bị chất lượng cao như toa xe, hệ thống tín hiệu, các thiết bị bảo trì và bảo dưỡng. Việc phát triển công nghiệp phụ trợ, thứ nhất, sẽ giúp đảm bảo nguồn cung cấp liên tục và ổn định cho các tuyến ĐSĐT", Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu phân tích.
Để tránh mất thời gian và giảm chi phí do các linh kiện phải nhập khẩu, ông Hiếu cho rằng, Hà Nội cần hợp tác với các công ty quốc tế là những đơn vị đã cung cấp sản phẩm trong quá trình xây dựng dự án, để sản xuất các linh kiện và thiết bị ngay tại địa phương, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thứ hai là giảm chi phí và thời gian chuyển giao công nghệ. Thứ ba là công nghiệp phụ trợ ĐSĐT sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương. Thứ tư là việc phát triển công nghiệp phụ trợ không chỉ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Thứ năm là công nghiệp phụ trợ ĐSĐT sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững bằng cách giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.
Hà Nội cần triển khai thế nào?
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu, muốn phát triển công nghiệp phụ trợ ĐSĐT, trước tiên cần nghiên cứu và phân tích thị trường, bao gồm việc tìm hiểu nhu cầu của thị trường đối với các linh kiện cần phải thay thế trong tương lai và dịch vụ phụ trợ, từ đó xác định các cơ hội và thách thức.
Đặc biệt, đánh giá đối thủ cạnh tranh cũng là một yếu tố quan trọng để hiểu rõ hơn về thị trường và định hình chiến lược phát triển phù hợp.
"Hà Nội cần tiến hành khảo sát thị trường để đánh giá nhu cầu số lượng các toa xe (toa xe động lực và toa xe không động lực), hệ thống tín hiệu, từ đó lên kế hoạch đầu tư và phát triển phù hợp với từng thời kỳ.
Tiếp theo, cần đầu tư trước và hết sức nghiêm túc vào: nghiên cứu và phát triển (R&D); xây dựng đội ngũ chuyên gia R&D chuyên nghiệp; hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để giúp nâng cao năng lực R&D công nghệ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần xây dựng hạ tầng sản xuất đủ hiện đại và tính đến mở rộng dự trữ cho tương lai đồng thời kết hợp với logistic. Các nhà máy sản xuất linh kiện và thiết bị phụ trợ cần được trang bị máy móc, thiết bị công nghệ cao để đảm bảo chất lượng sản phẩm", Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu nhấn mạnh.
Mặt khác, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự thành công của bất kỳ ngành công nghiệp nào. Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ĐSĐT, việc tổ chức các khóa học và chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên là vô cùng quan trọng.
Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình đào tạo kỹ thuật viên đường sắt, hợp tác với các chuyên gia từ các nước có nền công nghiệp ĐSĐT tiên tiến như Nhật Bản và Đức.
Thành phố cũng cần chú trọng đến việc thúc đẩy hợp tác và kết nối với các đối tác quốc tế, đồng thời đảm bảo phối hợp chặt chẽ và hiệu quả ĐSĐT với đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc.
Hà Nội nên hợp tác với tập đoàn lớn trên thế giới như Siemens (Đức), Hitachi, Mitsubishi (Nhật Bản), Alstom (Pháp)... để chuyển giao công nghệ các hệ thống toa xe, tín hiệu, điều khiển và kiểm soát tự động cho các tuyến ĐSĐT.
"Để phát triển bền vững, giảm chi phí, tránh lãng phí, có chung một thị trường đủ rộng, Chính phủ cần có chủ trương xây dựng công nghiệp phụ trợ ĐSĐT kết hợp chặt chẽ với với xây dựng công nghiệp phụ trợ đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc. Sự kết nối này giúp tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng kết nối, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo hệ sinh thái bền vững.
Để công nghiệp phụ trợ ĐSĐT phát triển bền vững, cần mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ ĐSĐT sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển dài hạn", Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu nêu quan điểm.