Chăn nuôi đàn gia súc được nhiều địa phương phát triển, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tại nhiều nơi, bà con phát triển đàn dê, bò, trâu, ngựa có được thu nhập tốt. Cụ thể là ở tỉnh Tiền Giang và tỉnh Lai Châu...
Nhiều gia đình khá lên nhờ chăn nuôi dê.
Tới nay ước tính đàn dê của tỉnh Tiền Giang hiện khoảng 136.000 con, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Có được điều đó là do ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, giúp người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật được triển khai để nâng chất lượng đàn dê và hiệu quả kinh tế. Trong đó có đề tài “Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương” thực hiện từ năm 2015, đã định hướng công thức lai tạo giống và xây dựng các loại khẩu phần ăn phù hợp với đàn dê. Cũng còn phải kể đến đề tài “Gieo tinh nhân tạo trên dê”, đã từng bước thay đổi tập quán của người chăn nuôi dê trong vùng. Phương pháp phối giống trực tiếp được chuyển dần sang phương thức gieo tinh nhân tạo đã giảm chi phí nuôi dê đực giống, đàn dê được nhân nhanh, chất lượng giống tốt.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi dê lấy sữa theo quy mô trang trại cũng được bà con áp dụng, có thể nêu ví dụ ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành. Hộ chăn nuôi có quy mô tổng đàn 200 con, thì trong đó có gần 100 con dê cho sữa, mỗi năm lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Từ đó có Tổ hợp tác chăn nuôi dê sữa ra đời. Đây là hướng đi mới được khuyến khích nhằm nâng sức cạnh tranh của sản phẩm từ dê và mở rộng chăn nuôi dê trong cộng đồng.
Còn tại tỉnh Lai Châu, lãnh đạo địa phương xác định khoanh vùng và phát triển chăn nuôi gia súc tập trung là hướng giảm nghèo bền vững cho người dân tại các xã vùng cao trong tỉnh. Tại bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, nhờ nuôi bò nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng. Trước đây, thường thì mỗi hộ chỉ nuôi một con trâu để lấy sức kéo, kinh tế chủ yếu dựa vào ruộng nương nên cái nghèo luôn đeo đẳng. Nhưng rồi nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi gia súc mà bà con đã phát triển đàn gia súc để kinh doanh, thu được lợi nhuận cao. Hiện đàn trâu, bò, ngựa ở xã Sùng Phài, huyện Tam Đường khá phát triển.
Để đàn gia súc phát triển tốt, cán bộ kỹ thuật huyện đã chủ động hướng dẫn, giúp đỡ bà con. Tổng số đàn gia súc trên địa bàn xã hiện có khoảng hơn 3.300 con đều được chăm sóc tốt. Xã có chủ trương hướng người dân chuyển từ nuôi trâu sang nuôi bò và nuôi ngựa, vì bò và ngựa dễ chăn thả, sinh sản tốt, lợi nhuận cao hơn chăn nuôi trâu.
Lãnh đạo xã Sùng Phài cho biết, để giúp bà con nhân dân trên địa bàn xã phát triển chăn nuôi đàn gia súc, ngoài việc lồng ghép các nguồn vốn hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ bà con về vốn, xã còn thường xuyên cử cán bộ xuống các bản tuyên truyền cho các hộ dân cách chăm sóc, chăn thả, hướng dẫn về kỹ thuật để tránh dịch bệnh cho gia súc. Việc tiêu độc khử trùng được thực hiện thường xuyên, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển. Về mùa đông, xã cũng tuyên truyền, vận động bà con sửa chữa, gia cố chuồng trại và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển tốt, không bị chết vì đói rét.
Đây chính là điểm đột phá thay đổi tư duy lẫn cách làm của bà con vùng cao, nông thôn trong chăn nuôi đàn gia súc.