Ngày 28/11, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch 2017.
Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Ảnh: Hải Nam).
Ông Nguyễn Văn Tuấn- tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng Đề án điều chỉnh chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; Xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành du lịch; Xây dựng Đề án liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch; Xây dựng Đề án khai thác và phát huy các giá trị, di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; Triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; Tổ chức định kỳ gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp du lịch...”.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thể dục Thể thao cũng sẽ phối hợp chủ trì việc tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao với phát triển du lịch nhằm thu hút khách du lịch thông qua các sự kiện.
Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) chủ trì việc phối hợp với các cơ quan đại diện, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hãng hàng không trong xúc tiến quảng bá du lịch.
Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) chủ trì xây dựng và hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN.
Tại Hội thảo, xung quanh “tranh cãi” về điều kiện của hướng dẫn viên du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương- phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Điều kiện phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch. Có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc là hội viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch”.
Bà Hương cũng phân tích hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp ở đây có thể hiểu được là có thể là hội viên của hiệp hội du lịch trung ương, hiệp hội địa phương, hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn viên đã được thành lập theo quy định của pháp luật chứ không bắt buộc là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhất định nào.
Bên cạnh đó khi đi hướng dẫn cho một đoàn cụ thể thì hướng dẫn viên phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc phải có văn bản phân công nhiệm vụ hướng dẫn theo chương trình du lịch.
Đối với hướng dẫn viên tại điểm phải có phân công của cá nhân tổ chức quản lý điểm du lịch, khu du lịch. Quy định này cũng góp phần ngăn ngừa việc hướng dẫn viên thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ du lịch chui mà trong thực tiễn đã xảy ra.
Về điều kiện, trình độ chuyên môn hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã được điều chỉnh từ trình độ cử nhân xuống trình độ cao đẳng để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của khách du lịch, của người lao động và công tác phát triển quản lý.
“Việc cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế với trình độ cao đẳng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt với một số ngôn ngữ hiếm trong thời điểm cao điểm”- bà Hương cho hay.