Phát triển du lịch từ góc nhìn văn hóa doanh nghiệp

Minh Quân 07/09/2022 09:00

Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng doanh nghiệp lữ hành trong những năm qua đã đóng góp quan trọng đối với sự phát triển du lịch của đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc chưa xây dựng được vững chắc nền tảng văn hóa doanh nghiệp đang nảy sinh ra những bất cập trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố kiên quyết để ngành du lịch phát triển.

Những hạt sạn

Với nhu cầu của cuộc sống ngày một phát triển, các loại hình dịch vụ trong đó có ngành du lịch đang phải “chạy đua” với việc chuyên nghiệp hóa các sản phẩm. Đặc biệt là việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN) đối với các DN lữ hành. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, nhìn chung trong những năm qua, các DN lữ hành đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa DN thông qua định hướng, chiến lược kinh doanh và những giá trị mà DN đang có.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, DN lữ hành đã chủ động điều chỉnh văn hóa DN phù hợp với xu thế thị trường. Trong đó, công nghệ thông tin đang ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh của các DN. Để tồn tại và phát triển, các DN luôn có sự điều chỉnh về tầm nhìn chiến lược kinh doanh của mình, nỗ lực trong việc thay đổi về quy chế nội bộ, nhân sự, phương thức quản trị DN… Các DN đều ý thức được rằng, sự điều chỉnh về văn hóa DN sẽ góp phần thay đổi thương hiệu DN du lịch từ đó tác động đến hình ảnh chung của du lịch Việt Nam. Trên thực tế, nhiều DN đã tồn tại qua đại dịch, xây dựng văn hóa DN tốt, tạo dựng thương hiệu du lịch riêng cho mình, đang dần phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn xuất hiện những DN làm ăn kiểu “ăn xổi” bỏ qua văn hóa DN vì cái lợi trước mắt. Không ít DN lữ hành hoạt động kinh doanh không tuân thủ theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dịch vụ, hình ảnh du lịch Việt Nam. Trong đó phải kể đến tình trạng DN khai báo không trung thực trong việc lập hồ sơ xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Hoạt động kinh doanh núp bóng, mượn tư cách pháp nhân, trốn thuế, kinh doanh chộp giật, thiếu lành mạnh, không đảm bảo chất lượng dịch vụ... Thực trạng này một mặt làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch, mặt khác gây xáo trộn môi trường kinh doanh du lịch Việt Nam. Chưa kể nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh quảng cáo dịch vụ, sản phẩm du lịch không đúng với bản chất, lừa dối khách du lịch gây mất niềm tin của du khách. Sự vụ nhiều khách du lịch quốc tế đi taxi bị chặt chém, hay tình trạng khách hàng bị quỵt tiền sau khi đã chuyển tiền đặt phòng khách sạn xảy ra không hiếm... chính là những “hạt sạn” của du lịch của nước nhà.

Ứng xử văn minh là cách để khách quốc tế trở lại nhiều hơn.

Nâng cao tính cạnh tranh

Có thể thấy, sau khi chính thức mở cửa trở lại vào ngày 15/3/2022, ngành du lịch đang từng bước phục hồi và dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Lượng khách du lịch tăng cao trong mùa du lịch nội địa năm nay là tín hiệu vui với ngành du lịch và các DN du lịch nhưng cũng tạo nên áp lực không nhỏ trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ. Với một nền tảng văn hóa DN vững chắc cùng sự quyết tâm, chủ động của cộng đồng DN và đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương sẽ là điểm tựa vững chắc để DN du lịch vững vàng vươn lên sau đại dịch, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, đại dịch Covid -19 đã làm thay đổi nhu cầu khách du lịch, tạo ra những xu hướng du lịch và dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Sau đại dịch, du lịch mỗi quốc gia trở về vạch xuất phát theo những cách khác nhau. Do vậy, tất cả DN du lịch đều có cơ hội bình đẳng, không phân biệt quy mô DN lớn hay nhỏ, thành lập lâu năm hay mới thành lập. Ngành du lịch và DN đứng trước những cơ hội vàng thu hút khách nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh gay gắt với thị trường du lịch trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, văn hóa DN càng phải được coi trọng, đó chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt và làm nên thương hiệu cho một DN. “Văn hóa DN thực sự trở thành điểm tựa để DN du lịch phục hồi, phát triển” – ông Khánh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để nền tảng văn hóa DN được vững chắc, Ths Lưu Ngọc Thành (Trường Đại học Văn hóa) cho rằng, cần có sự liên kết giữa các trường đào tạo du lịch và DN lữ hành. Văn hóa DN trong lĩnh vực du lịch đã được quan tâm nhiều trong vài năm trở lại đây. Việc xây dựng các tiêu chí cho văn hóa DN cần có sự liên kết, phối hợp với nhiều bên liên quan và trường đại học có đào tạo ngành du lịch cũng là một khách thể quan trọng. Trong quá trình hợp tác, trường đại học (giảng viên, sinh viên) sẽ tham góp các ý kiến quan trọng để DN du lịch tham khảo và xây dựng giá trị văn hóa cho bản thân. Đây là một quá trình tương tác, phản hồi thông tin mang tính hai chiều, đem lại lợi ích, giá trị nhất định, đặc biệt là đối với DN du lịch. “Việc xây dựng và phát triển quan hệ trên nền tảng văn hóa DN là công việc dài hạn, liên tục. Và sự thành công của mô hình liên kết này còn tùy thuộc nhiều vào sự cam kết và nỗ lực giữa trường đại học và DN du lịch trong bối cảnh phát triển du lịch xanh, bền vững như hiện nay” - Ths Lưu Ngọc Thành nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển du lịch từ góc nhìn văn hóa doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO