Ngày 22/9, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện kết luận số 56-KL/TW của Bộ chính trị khóa XI về đẩy mạnh nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được tổ chức tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã trao đổi với Hội nghị chuyên đề "Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới- Khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân".
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Sáu mâu thuẫn trong nền nông nghiệp
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong hơn 20 năm qua, nông nghiệp nước nhà đã đạt được những thành tựu rất quan trọng như năng suất các cây, con không ngừng tăng lên, trong đó có trên 10 loại cây, con có năng suất sinh học thuộc nhóm cao nhất thế giới và sản lượng nhiều sản phẩm như gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, chè, cá, tôm tăng nhanh, trong đó có 8 loại nông phẩm xuất khẩu đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (Tiêu và điều xếp hạng thứ 1, cà phê và sắn khô thứ 2, gạo, cao su và thủy sản thứ 3, chè thứ 5).
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện cũng chỉ rõ 4 bất cập vẫn tồn tại kéo dài. Một là, hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra. Hai là, thiếu vốn là hiện tượng thường xuyên với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ba là, thu nhập của nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp chiếm khoảng 47% lao động, đóng góp 19% vào tổng sản phẩm nội địa tức là năng suất lao động hay thu nhập bình quân của một nông dân chưa bằng 1/3 của người lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Bốn là, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ.
Làm rõ nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài nói trên, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân có một lý do cơ bản nhất là sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất của nông nghiệp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay và hội nhập quốc tế. Cùng với đó là 6 mâu thuẫn trong nền nông nghiệp. Đó là sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường; Hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn; Năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm; nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, song các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ; Thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha mỗi hộ; Nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học – công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho hàng triệu hộ riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chừng nào mà nền sản xuất nông nghiệp nước ta còn chủ yếu vẫn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các yêu cầu rất hợp lý về sản xuất nông nghiệp, các chính sách về tín dụng, đào tạo, liên kết với các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi, sáu mâu thuẫn nói trên tiếp tục tồn tại.
“Thực tế, các hộ nông dân Việt Nam chỉ có thể làm được chức năng là tổ chức sản xuất hiệu quả cao, song không thể làm được 2 chức năng: nghiên cứu thị trường, qui hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp cơ bản cho các mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới, theo Luật hợp tác xã năm 2012 và các hợp tác xã kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.”, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Quang cảnh hội nghị.
Đổi mới nhận thức về HTX
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của HTX, xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá. Nguyên tắc chung là: cái gì hợp tác xã làm có lợi hơn là xã viên tự làm, hoặc cái gì xã viên không thể làm được thì hợp tác xã làm, qua đó làm cho sản xuất của các hộ xã viên hiệu quả cao hơn. Bản thân các hộ xã viên vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm cây, con mà họ làm ra thuộc sở hữu của họ, không phải của hợp tác xã. Hợp tác xã không phủ định, thay thế kinh tế hộ, mà làm cho kinh tế hộ hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của hộ xã viên cao hơn.
Từ thực tế thành lập và vận hành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh các hợp tác xã này tuy chỉ có vài chục xã viên song đã thực sự giúp các hộ xã viên sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là qui hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải là các hợp tác xã.
Chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp qua hợp tác xã. Chủ thể để tiếp nhận của các chính sách của nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật. Chủ thể để thực hiện liên kết nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học phải là hợp tác xã. Chủ thể để cơ khí hóa sản xuất, thủy lợi hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả cao phải là hợp tác xã và các doanh nghiệp, chứ không phải là các hộ nông dân với chỉ 2 lao động và đất canh tác dưới 1 ha.
Tạo điều kiện để các HTX kiểu mới phát triển
Từ những chuyển biến về nhận thức và từ thực tiễn sinh động, sáng tạo trong thành lập và hoạt động của các mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Chính phủ, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật hợp tác xã, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong thời gian tới cần tập trung triển khai 5 công việc chính. Cụ thể qua việc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể" làm cơ sở để các địa phương đưa nội dung chuyển đổi, thành lập và phát huy các hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 vào nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ tới.
Cùng với đó các địa phương cần có kế hoạch và phân công trách nhiệm thực hiện của các cấp tỉnh, huyện và xã, tổ chức tập huấn Luật hợp tác xã 2012 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật hợp tác xã của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ; Các Bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam cần làm rõ cơ quan nào ở cấp quốc gia có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu thị trường để cung cấp các thông tin phù hợp cho các địa phương, các hợp tác xã và các doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại cần triển khai quyết liệt việc cho các hợp tác xã kiểu mới vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ để tạo điều kiện cho các hợp tác xã kiểu mới tăng tốc phát triển trong 2-3 năm tới.
“Cần có chương trình hiệp thương và phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong xây dựng chỉ tiêu vận động thành lập các hợp tác xã ở mỗi xã, huyện để việc vận động đạt tiến độ nhanh và kết quả cao nhất. Với Luật hợp tác xã năm 2012 và các kết quả, tấm gương hợp tác xã kiểu mới ở nhiều địa phương, nếu đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các HTX kiểu mới, đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. "- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Một số hình ảnh hội nghị: