Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cho đông đảo thành viên và nhân dân góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân nâng cao.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian tới tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo đó, tỉnh tăng cường đầu tư của nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho kinh tế tập thể, trong đó HTX nông nghiệp là nòng cốt. Đồng thởi, tỉnh cũng như nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.
Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều HTX đã cùng với chính quyền xã triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ tổ chức sản xuất bảo đảm theo quy hoạch, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất trên diện tích canh tác ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Ngoài ra, Hậu Giang nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Bằng cách tăng cường tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, tập huấn cho cán bộ, viên chức hiểu rõ bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của HTX. Song song, tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu hợp tác xã; tổ chức triễn lãm, hội chợ quốc gia, vùng và địa phương để quảng bá về HTX.
Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho hợp tác xã huy động các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nước và kinh nghiệm quốc tế trình cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi một số quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm tạo cơ chế thuận lợi hơp cho phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Tỉnh tiến hành đánh giá, phân loại HTX hoạt động có hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể cho từng hợp tác xã; điều tra số liệu thống kê, đánh giá tình hình hoạt động của các hợp tác xã hằng quý và cả năm để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Từ nay đến năm 2030, thông qua tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ Hậu Giang phấn đấu có khoảng 300 tổ hợp tác, 150 HTX, 2 liên hiệp hợp tác xã phát triển bền vững; trong đó có khoảng 250 hợp tác xã nông nghiệp và 30 HTX thương mại.
Đến nay, tỉnh Hậu Giang có gần 1.000 tổ hợp tác; trong đó, tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo Nghị định 51/2007/NĐ - CP là hơn 500 tổ, với hơn 12.000 thành viên. Toàn tỉnh có 190 HTX, với gần 4.500 thành viên, gần 8.000 lao động, vốn hoạt động gần 140 tỷ đồng.