Phát triển kinh tế từ nền tảng văn hoá doanh nghiệp

Hoàng Minh 26/08/2022 19:21

Nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, ngày 26/8, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật phối hợp với Viện Văn hoá và Phát triển đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hoá doanh nghiệp – Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch”.

Tại Hội thảo, với 29 tham luận và một số ý kiến trao đổi, các đại biểu đã đi sâu đánh giá, phân tích vai trò và đóng góp quan trọng của văn hoá doanh nghiệp đối với phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, khẳng định phát huy văn hoá doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khẳng định, văn hoá doanh nghiệp góp phần giảm thiểu thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Văn hoá doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, và được coi là nguồn tài sản quý báu, là nền tảng phát triển để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để văn hoá doanh nghiệp thực hiện sức mạnh của mình, chúng ta cần làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp. Ở đó, cần xây dựng và lan toả những tấm gương văn hoá doanh nghiệp tiêu biểu, lan toả những hành động đẹp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những năm qua, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, sự bùng nổ, lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp vì thế gặp khó khi chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa bị đứt gãy; thiếu hụt nguồn lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc nhìn nhận, cũng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống tốt dịch bệnh. Một số doanh nghiệp lớn, có uy tín và truyền thống lâu đời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Tại Hội thảo các đại biểu đã đưa nhiều kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Cũng tại Hội thảo, các nhà khoa học, cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp đã chia sẻ về thực trạng xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay. các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, kinh tế đồng tình, để doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tầm quốc gia có sự hội nhập với văn hóa thế giới. Ngoài ra, cần tạo môi trường làm việc trong các doanh nghiệp thật sự lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, khoa học, nhân văn, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển toàn diện con người.

Qua các tham luận, ý kiến đóng góp, phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bội VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ngày 7/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia”.

Thứ trưởng cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là tiếp tục giữ vững chữ tín, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, giá cả phù hợp, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động, đồng thời có những chương trình hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Nhiều mô hình, sáng kiến hay về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển kinh tế từ nền tảng văn hoá doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO