Phát triển năng lượng tái tạo cần bệ đỡ

THANH GIANG 26/08/2023 09:00

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Năng lượng tái tạo: Xu thế tất yếu và giải pháp thúc đẩy phát triển trong tương lai” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức ngày 25/8.

Điện mặt trời mái nhà ngày càng phát triển.

Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Với những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo cùng đường biển dài, thời tiết khu vực cận xích đạo với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm... tiềm năng năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.

Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM, hiện nay, thành phố có hơn 14.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt gần 360MWp, có khả năng đáp ứng từ 8 - 10% nhu cầu công suất toàn thành phố trong những thời điểm bức xạ cao, chiếm tỷ lệ 3,71% điện mặt trời trên mái nhà của cả nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, việc ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.

TPHCM cũng đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác - phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, tạo năng lượng an toàn cho môi trường. Đơn cử như: Dự án Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần VietStar công suất 40 MW; dự án Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa công suất 40 MW. Ngoài ra, một số dự án đốt rác phát điện đang trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư với tổng công suất đến năm 2030 là 340 MW.

Dự án điện gió ngoài khơi từ biển Cần Giờ với công suất tiềm năng đạt 6.000MW, có thể mang lại lợi ích lớn để phát lên điện lưới đồng thời cung cấp cho các nhà máy sản xuất hydrogen xanh – nguồn năng lượng sạch tiềm năng to lớn.

Khẳng định, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch ở Việt Nam mang tính quyết định cho tương lai phát triển nhiều ngành kinh tế, song ông An cho rằng, quan trọng nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, qua đó, đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững. “Chính phủ cần kịp thời đưa ra các chính sách và giải pháp hỗ trợ thúc đẩy đầu tư nhằm phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này” - ông An nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thực tế, phát triển năng lượng tái tạo đang gặp nhiều vướng mắc do khung pháp lý còn nhiều hạn chế, thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các công nghệ năng lượng tái tạo.... Từ đó, ông Hải đề xuất, các cơ quan nhà nước cần đưa ra chính sách đầy đủ, thông thoáng, tạo môi trường đầu tư ổn định nhằm thu hút nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Công thương) khẳng định: “Hiện có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác là bệ đỡ tốt cho việc mở rộng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng”. Với sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo, theo ông Sơn, khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cần phải hoàn thiện đầy đủ và nhanh chóng hơn để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro.

Riêng TPHCM, ông Sơn cho rằng, lãnh đạo thành phố cần nghiên cứu và đánh giá sát tiến độ cũng như vướng mắc triển khai dự án năng lượng tái tạo. Từ đó hoàn thiện khung chính sách phát triển lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển năng lượng tái tạo cần bệ đỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO