Nhu cầu về nhà ở xã hội của người thu nhập thấp rất cao, tuy nhiên sự thiếu hụt vốn đầu tư (mặc dù đã xã hội hóa) dẫn đến tình trạng ách tắc kế hoạch phát triển. Hiện trên thị trường, nguồn cung nhà ở xã hội không đáp ứng nổi nhu cầu.
Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000. Hầu hết các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%. Mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố rất cao nhưng nguồn cung lại không đáp ứng được.
Sở Xây dựng TP HCM thông tin, tính đến thời điểm hiện nay thành phố hoàn thành 12 dự án nhà ở xã hội trên tổng số 51 dự án đã chấp thuận. Số dự án nhà ở xã hội còn lại thành phố tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, song khá nhiều khó khăn đang cản trở chương trình này phát triển nhanh. Bàn về việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng, thành phố không hoàn thành nhiệm vụ với chương trình nhà ở xã hội vì cung không đủ cầu. “TP HCM đi đầu về chương trình xây dựng nhà ở xã hội, thế nhưng hiện các tỉnh – thành lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang “vượt mặt” thành phố trong kế hoạch này. Điển hình, Bình Dương xây dựng rất những căn hộ diện tích nhỏ khoảng 30m2 – 40m đáp ứng tốt nhu cầu và túi tiền của người thu nhập thấp”, ông Nguyễn Văn Đực so sánh và dẫn chứng.
Liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, đại diện Công ty Hoàng Quân – đơn vị đi đầu trong phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM khẳng định, lợi nhuận thấp, thủ tục rờm rà, đặc biệt khó khăn về vốn dẫn đến việc hạn chế nguồn cung nhà ở xã hội. Theo các chuyên gia bất động sản, Chính phủ và các địa phương muốn xã hội hóa chương trình nhà ở nên cần sự chia sẻ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận thấp là điểm mấu chốt không tạo được sức hút lớn để nguồn vốn đổ vào nhà ở giá rẻ. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) khẳng định, cái khó của nhà ở xã hội hiện nay là vốn.
Trong khi đó, có những ý kiến khác nhau giữa các Bộ ngành về việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách. Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn hiện nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đưa ra lý do, ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên không có tiền “rót” vào nhà ở xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan huy động các nguồn vốn khác để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, thay vì phải chi ngân sách cho chương trình này.
Thiếu nhà ở giá rẻ, cho nên khoảng 87% nhu cầu nhà trọ cho sinh viên, công nhân, lao động, người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư do người dân tự giải quyết. Dự báo, thời gian tới nhu cầu nhà ở giá rẻ tại TP HCM sẽ tăng hơn. Đó là chưa kể dân số của 22.000 căn nhà lụp xụp, trên và ven kênh rạch bị ô nhiễm nặng cùng với 474 chung cư cũ. Giải quyết bài toán khó khăn về vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội, HoREA cho rằng, nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách nhà ở xã hội 5 năm (2016-2020) và hàng năm phụ thuộc vào khả năng chi ngân sách Nhà nước.
Năm 2016 có thể là năm đầu tiên thực hiện chính sách mới về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014, vì vậy HoREA thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét đề xuất bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016. Từ đó Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội. HoREA đề nghị thêm, Ngân hàng Nhà nước sớm quy định cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định để thúc đẩy thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Có thể áp dụng tương tự chính sách tạo nguồn vốn tín dụng và cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây.