Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang đầu tư nông nghiệp áp dụng công nghệ cao hay nông nghiệp thông minh đang là đòi hỏi cấp thiết của Việt Nam hiện nay.
Điều này nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản xuất khép kín thông qua liên kết của nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước và được kiểm soát bằng tiêu chuẩn quốc tế.
Mới đây, một trang trại bò sữa ở Gia Lai tiếp nhận hơn 3 ngàn con bò sữa Holstein Friesian (HF) thuần chủng từ Mỹ. Để thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam, đàn bò sữa này được chăm sóc đặc biệt dưới sự theo dõi và đánh giá của các chuyên gia chăn nuôi giàu kinh nghiệm. Mỗi con bò sữa đều được gắn chip bằng công nghệ của Israel để theo dõi thông tin hàng ngày, hàng giờ, giúp các chuyên gia can thiệp nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất để cho ra đời nguồn sữa chất lượng 3.5 gram đạm và 4.0 gram béo trên 100 ml trong tương lai. Việc “nhập tịch” cho giống bò sữa HF từ Mỹ được đánh giá cao nhằm gia tăng nguồn sữa tươi chuẩn cao, cũng như nâng chuẩn chất lượng sữa tươi Việt Nam.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, trang trại bò sữa này đang đi đúng hướng, bởi có thể cho ra nguồn sữa tươi có hàm lượng đạm tương đương với sữa ở châu Âu. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để đưa sữa Việt bước chân vào thị trường châu Âu, tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Việc gắn chip công nghệ trên bò sữa đang cho thấy trang trại đang bước vào “guồng máy” của nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. Điều đó để nâng chuẩn cho ngành hàng nông sản thực phẩm Việt nhằm chinh phục hiệu quả những thị trường xuất khẩu khó tính” - ông Tiến nhấn mạnh.
Đề cập về vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp mang tính bền vững dựa trên những lợi thế đã cam kết từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Như chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Dũng - chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, cơ hội cho nông nghiệp thông minh ở Việt Nam từ các FTA thế hệ mới là rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu xuất xứ toàn chuỗi an toàn, chất lượng cạnh tranh và ổn định, đây là vấn đề cốt lõi.
Không chỉ vậy, theo ông Dũng, việc các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản thực phẩm Việt hướng đến nông nghiệp thông minh cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội xét trên bình diện chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm, giải quyết việc làm, phát triển thương hiệu, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Theo PGS.TS Mai Quang Vinh - Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, chuỗi giá trị nông sản thông minh ứng dụng các thành tựu của công nghệ nông nghiệp 4.0, như giống cây trồng tiến bộ, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vaccine, kháng sinh an toàn, hệ thống tưới tiêu, chuồng trại chăm sóc thông minh, hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh, hệ thống thu hoạch, bảo quản, chế biến, và hệ thống quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản.
Bên cạnh đó, khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Hiện nay, trong nước chỉ có khoảng 15 công ty cung cấp giải pháp nông nghiệp thông minh thích hợp với trang trại nhỏ. Các công ty vừa và nhỏ thường sử dụng các giải pháp riêng lẻ, không kết nối với nhau. Trong khi đó, thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp còn chưa phát triển, tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao.
Đặc biệt, cần tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất nông nghiệp thông minh. Hơn nữa, nên tiếp tục ban hành những chính sách sát thực tiễn sản xuất, có “tính sống cao” nhằm huy động các nguồn lực cho cách mạng nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam.