Kinh tế

Phát triển Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp về dược liệu, sâm Ngọc Linh

Tấn Thành - Chí Đại 10/05/2025 15:16

Ngày 10/5, tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.

Tham dự hội nghị có: Ông Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Đỗ Ngọc Huỳnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; cùng các lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Bình Định;…

HOI NGHI 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Chí Đại.

Sâm Ngọc Linh có giá trị y học và tiềm năng kinh tế lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, với hơn 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị dược liệu cao, được đánh giá là tiềm năng lớn để phát triển thành ngành công nghiệp dược liệu hiện đại. Vùng Duyên hải miền Trung Tây Nguyên có nhiều loại dược liệu quý có giá trị kinh tế và y tế có tiềm năng nuôi trồng khai thác bao gồm: Bách bộ, Câu đằng, Cẩu tích, Chè dây, Cốt toái bổ, Dành dành, Dây đau xương;…

Đặc biệt trong đó phải kể đến sâm Ngọc Linh “được mọi người thường nói là báu vật quốc gia” và hiện nay đang là động lực phát triển công nghiệp dược liệu, một trong những loài sâm quý nhất thế giới, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đây là loại sâm có giá trị y học và tiềm năng kinh tế rất lớn.

Tại hội nghị, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Công bố Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký, ban hành tại Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025. Đây là tiền đề để Quảng Nam vươn mình trở thành trung tâm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu mà chủ lực là Sâm Ngọc Linh. Đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng Tây của tỉnh.

HOI NGHI 2
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chí Đại.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng về phát triển cây dược liệu với diện tích đất tự nhiên là 1.057.474 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 769.756 ha; trong đó diện tích đất có rừng là 681.935,35 ha, rừng tự nhiên là 461.326,57 ha với hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu năm 2002, trên địa bàn tỉnh ]ghi nhận 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong Danh mục cây thuốc Việt Nam.

HOI NGHI 3
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Chí Đại.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết thêm, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung rà soát, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết “nút thắt” về cơ chế, chính sách. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất các bộ, cơ quan liên quan về các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù, vượt trội nhằm thu hút có hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển dược liệu và công nghiệp dược liệu trong trung tâm.

Nâng cao sức khỏe nhân dân

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, quan điểm của Đảng và Nhà nước là dược liệu là tài nguyên quý và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việt Nam có tiềm năng lớn về công nghiệp dược liệu. Dược liệu có ý nghĩa đa ngành, đa lĩnh vực. Trồng dược liệu phát triển được nguồn cho y tế, tạo điều kiện cho bà con nông dân, đặc biệt là người dân vùng cao. Cả y học, nông nghiệp, kinh tế. Đảng, Nhà nước, Chính phủ ý thức rõ, đã có nhiều chính sách như: Nghị quyết Trung ương về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; có các nghị định Chính phủ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, phát triển nông thôn, nuôi trồng, phát triển dược liệu.

HOI NGHI 4
Một góc trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Chí Đại.

Bàn về triển khai đề án phát triển, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay, đây mới là đề án, là động thái về mặt hành chính để giúp Quảng Nam có cú hích; là điểm khởi đầu chứ chưa phải đích tới. Còn nhiều việc phải làm. Trong thế mạnh chung, Quảng Nam có thế mạnh riêng với 36 loại cây thuốc, là thủ phủ sâm Ngọc Linh, có quy hoạch trên 15.000 ha cho phát triển dược liệu. Đề nghị coi hội nghị là điểm mở đầu cho tổ chức thực hiện. Đây là đề án có nhiều kỳ vọng, đặt ra mục tiêu phấn đấu góp phần phát triển công nghiệp dược liệu cho Quảng Nam, khu vực, góp cho sự phát triển của địa phương, khu vực.

Về cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, xuất phát đầu tư là phải từ tỉnh Quảng Nam. Phải chủ động rà soát chính sách. Trong quá trình sắp tới, khi phát triển đề nghị tỉnh phải chủ động đề xuất. Chính phủ sẵn sàng lắng nghe xem cơ chế, chính sách có gì đặc thù, phù hợp không. Quảng Nam chủ trì, các địa phương liên quan phối hợp. Có vậy mới tạo được sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trong nước và khu vực. Sớm hoàn thiện, công bố quy hoạch sử dụng đất, các vấn đề có liên quan. Các hoạt động trong thời điểm sáp nhập tỉnh, sắp xếp bộ máy có vấn đề gì, chủ động thông báo. Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong khu vực trung tâm dược liệu. Làm sao cứ nghĩ đến Quảng Nam là biết đến trung tâm công nghiệp về dược liệu, sâm Ngọc Linh là rất tự hào...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp về dược liệu, sâm Ngọc Linh