Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Chỉ thị về việc nghiên cứu mở rộng chính sách miễn thị thực, nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài. Để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến của du khách quốc tế, nhiều chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tháng 1/2024, ghi nhận lượng khách quốc tế cao kỷ lục 1,5 triệu lượt - cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch (từ ngày 15/3/2022). Tháng 2/2024, du khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cũng tăng mạnh, nhiều nơi gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có Quảng Ninh, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Nam, Hà Nội, TPHCM. Riêng du khách quốc tế tới Phú Quốc tăng gấp 5 lần.
Nới lỏng chính sách visa để tăng khả năng cạnh tranh
Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng chia sẻ, với việc thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng kéo dài thời hạn thị thực điện tử (e-visa), đồng thời không giới hạn số lần xuất cảnh, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới sẽ tạo cú hích mạnh giúp ngành du lịch tăng tốc trong cuộc đua hút khách quốc tế.
Còn theo ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO, với thủ tục đơn giản, thuận tiện, đồng thời nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực sẽ nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trong thu hút du khách lựa chọn điểm đến, góp phần quyết định mở rộng thị trường và gia tăng lượng khách.
“Việc nới lỏng chính sách visa góp phần làm cho sản phẩm du lịch từ các công ty lữ hành Việt Nam tổ chức thêm đa dạng và hấp dẫn. Đồng thời, tăng cường cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch” - ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), để du lịch Việt Nam tăng tốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm; tuy rằng việc tiếp tục tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế trong quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... là giải pháp hiệu quả. Ông Kiên cho biết, kết quả khảo sát một số doanh nghiệp (DN) du lịch cho thấy, mặc dù nhiều nước quy định xuất nhập cảnh rất khắt khe nhưng tùy mục đích, mục tiêu trong từng giai đoạn lại có chính sách điều chỉnh và áp dụng chính sách đó một cách mềm dẻo. Chính phủ cần mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho du khách từ các nước chi tiêu nhiều như Australia, Canada, Mỹ, những quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, nên miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ các thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ để kích cầu du lịch.
Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết, Thái Lan từng áp dụng miễn thị thực 30 ngày, sau đó đến 60 ngày, rồi 90 ngày và bây giờ là 108 ngày. Indonesia cũng đã nâng thời gian miễn thị thực lên đến 180 ngày đối với những người có 100.000 USD. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về visa để cạnh tranh thu hút khách du lịch.
Từ đó, Sun Group đề xuất tăng thời hạn visa du lịch từ 90 lên 180 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần để khách có thời gian đi, chi tiêu nhiều hơn.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, chính sách nới lỏng visa không những hỗ trợ tích cực giúp tăng lượng du khách mà đối tượng khách đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong năm 2024.
Được biết, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương, gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Trong khi đó nhiều nước châu Á đang tăng sức cạnh tranh thu hút du khách bằng chính sách miễn thị thực: Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan 64.
Không thể “đi trước, về muộn”
Đã gần 2 năm kể từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch (15/3/2022), đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã cải thiện, song chưa như kỳ vọng. Một số ý kiến cho rằng là nước “đi trước”, có chính sách mở cửa, phục hồi nhanh nhưng kết quả của du lịch Việt Nam lại “về muộn” so với nhiều nước.
Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta tăng dần, nhưng kết quả này vẫn còn rất khiêm tốn. “Việt Nam là một trong những quốc gia có kế hoạch mở cửa rất sớm, tiếc là chúng ta không tận dụng được lợi thế này nên đã đi trước, về muộn”- ông Bình nói. Trong khi đó, dẫn số liệu từ lượng khách du lịch quốc tế của các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia... ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, nếu không có sự bứt phá, thay đổi chiến lược thu hút khách, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ các nước, có thể sẽ mất đi nhiều lợi thế.
Tuy nhiên, năm 2024, mục tiêu thu hút 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế so với mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế của năm 2023 được coi là một sự bứt phá. Thành công của 2 tháng đầu năm 2024 là phấn khởi. Tuy nhiên chặng đường phía trước còn dài, du lịch Việt Nam vẫn cần rất nhiều nỗ lực để không rơi vào tình cảnh “về muộn” như đã từng xảy ra.
Kiến tạo những điểm đến bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế
Làm gì để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh? Đó là câu hỏi cần sớm có lời giải.
Nói như bà Ngô Hương - Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl thì thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.
“Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những điểm đến vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á” - bà Hương nói.
Kỳ vọng của bà Hương cũng là mục tiêu của ngành du lịch, DN du lịch cũng như địa phương nơi có điểm du lịch.
Thực tế cho thấy, qua rồi cái thời khách quốc tế đến Việt Nam vì tò mò. Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist dự báo khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục tăng, nhưng điều quan trọng là làm cách nào để họ ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có những trải nghiệm ấn tượng, độc đáo để trở lại nhiều lần.
TS Nuno F.Ribeiro - Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) phân tích, một khách du lịch quốc tế có mức chi trả cao gấp 11 lần khách nội địa. Khách càng ở lâu, mức chi trả càng nhiều. Ước tính, khách ở lại Việt Nam 7 ngày sẽ có mức chi cao gấp đôi so với khách ở dưới một tuần.
Trong khi đó, theo Hội đồng Tư vấn du lịch, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách cần phải có giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng xây dựng những sản phẩm phù hợp xu hướng. Ngoài ra, để cho khách trở lại với khả năng chi trả cao, cần phải quản lý tốt điểm đến.
Làm gì để du khách quốc tế đến Việt Nam “chịu chi” hơn? Một thống kê của cơ quan chức năng cho biết, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là thuê phòng lưu trú và ăn uống, chiếm 56 - 60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7-10% trong tổng chi phí.
Trong khi đó, ở các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan... chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40 - 50%, thậm chí đến 60 - 70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.
Nói như Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 thì một trong những nguyên nhân lượng khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng là do sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa.
“Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm. Chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách” - ông Hùng nói.
Để đón đầu dòng khách quốc tế trong năm 2024, nhiều địa phương, đơn vị đã ra mắt sản phẩm mới. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, du khách quốc tế đến Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 và kỳ vọng sẽ có sự bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2024. Các địa phương, đơn vị cần có chiến lược xây dựng điểm đến, sản phẩm mới; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để tiếp tục thu hút du khách từ thị trường truyền thống và mở rộng tới những thị trường tiềm năng. Trên phạm vi toàn cầu, dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cho rằng, hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019, tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.