Phát triển trung tâm tài chính quốc tế góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, để trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả, cần phải có hệ thống thể chế đồng bộ và một nền tài chính - ngân hàng mở nhưng vẫn giữ được tính ổn định.
Nhiệm vụ chiến lược
Ngày 6/5, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là hết sức cần thiết, phải quyết tâm thực hiện bằng được theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Bộ Chính trị nhằm phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế để thu hút nguồn lực, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phục vụ thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; phục vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Do đó, phải có hệ thống các chính sách đột phá, vượt trội, thu hút, thuyết phục được các nhà đầu tư tại Trung Đông, Trung Quốc, ASEAN, Hoa Kỳ, châu Âu... tham gia Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế là nhiệm vụ chiến lược mang tầm vóc lớn, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã và đang xây dựng nhiều chính sách then chốt, trong đó có lộ trình từng bước nới lỏng hoạt động ngoại hối, nâng cao khả năng thanh khoản, phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng và thúc đẩy hệ sinh thái số trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh, dù mục tiêu mở cửa và thu hút dòng vốn là cấp thiết, nhưng vẫn phải song hành với đảm bảo an ninh tài chính, chủ quyền tiền tệ và an toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (NHNN) nhận định: Hình thành trung tâm tài chính là việc không dễ vì Việt Nam còn nhiều khác biệt về thể chế, quy mô và trình độ phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn tự do hóa cần được kiểm soát chặt chẽ để không gây mất cân đối vĩ mô.
Theo ông Long, hoạt động ngân hàng trong trung tâm tài chính sẽ thiên về các mô hình tài chính hiện đại hơn là ngân hàng truyền thống. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp lý phải cập nhật liên tục, các chuẩn mực an toàn phải theo thông lệ quốc tế. NHNN đang xây dựng thông tư mới về tỷ lệ an toàn vốn, theo hướng tiệm cận Basel II nâng cao (một bộ quy tắc và chuẩn mực để tăng cường sự ổn định tài chính cho các ngân hàng trên toàn cầu) và Basel III, đồng thời, yêu cầu định chế tài chính thực hiện công khai tài chính rõ ràng.
Cơ hội cho các ngân hàng
Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn VietinBank cho biết, để thị trường tài chính đủ hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm tài chính. Theo đại diện VietinBank, cần đẩy mạnh các thị trường mới như hàng hóa, tài sản số, ngoại tệ… trong đó ưu tiên các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Việc này không chỉ giúp thị trường tài chính sâu sắc hơn, mà còn góp phần tạo hành lang pháp lý minh bạch để doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm hoạt động.
Bà Trương Thị Thu Ba - Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) cho rằng, khi tham gia trung tâm tài chính quốc tế, các ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính, cũng như có cơ hội chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, nâng cao hệ số tín nhiệm.
“Hiện nay, dịch vụ ngân hàng không chỉ đơn thuần là thanh toán, chuyển tiền, mà phải cung cấp cả hệ sinh thái. Tham gia tài chính quốc tế quốc tế thì phải nâng cấp hệ sinh thái tài chính hơn nữa, đồng thời áp dụng tất cả công nghệ tiên tiến về ngân hàng mở, điện toán đám mây, AI, tài chính xanh… Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải nâng cao năng lực quản trị” - bà Thu Ba chia sẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư Richard D. McClellan khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động xây dựng cơ chế di chuyển vốn minh bạch và từng bước áp dụng mô hình sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) cho công nghệ tài chính, tiền điện tử, tài sản mã hóa. Cùng lúc, cần hoàn thiện hệ thống giám sát rủi ro và ban hành chuẩn mực tài chính đồng bộ theo Basel III để tạo ra một môi trường vận hành an toàn và hấp dẫn cho các tổ chức tài chính toàn cầu.