Các bác sĩ chỉ nhìn thấy những viên sỏi có kích thước lớn, còn những viên nhỏ thì không thấy được. Khi mổ thấy trong thận bệnh nhân có rất nhiều những viên sỏi nhỏ, hơn nữa sỏi thận của ông Trí thuộc dạng sỏi san hô.
Trung tuần tháng 6, bệnh nhân Trần Duy Trí, 58 tuổi, ngụ tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) nhập Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) trong tình trạng đau nhiều vùng hông phải, thận phải lớn hơn quá mức so với bình thường và bị đau.
Tiến hành kiểm tra cùng với kết quả chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện cả hai bên thận của bệnh nhân đều có sỏi và ứ nước, khoảng 100 viên; bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy sỏi khẩn cấp. Hiện bệnh nhân đã ổn định, hết đau, đi tiểu bình thường và được xuất viện.
BS Phan Văn Ở - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, từ kết quả chụp phim, các bác sĩ chỉ nhìn thấy những viên sỏi có kích thước lớn, còn những viên nhỏ thì không thấy được. Khi mổ thấy trong thận bệnh nhân có rất nhiều những viên sỏi nhỏ, hơn nữa sỏi thận của ông Trí thuộc dạng sỏi san hô, các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn khi lấy ra, nếu không cẩn thận sẽ gây tổn thương lớn cho thận. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ, các bác sĩ đã lấy được hết lượng sỏi lớn ra ngoài đồng thời bảo toàn thận cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phan Văn Ở cho biết thêm, những viên sỏi hình thành trong thận của bệnh nhân Trần Duy Trí do yếu tố di truyền và chế độ ăn uống sinh hoạt. Để ngừa tái phát sỏi trong thận, ông Trí cần phải tái khám, thay đổi chế độ ăn uống, đặc biệt là uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày), ăn ít đồ biển.