Theo các chuyên gia y tế, sứt môi, hở hàm ếch là bệnh lý bẩm sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này ở trẻ em như yếu tố di truyền, bà mẹ nhiễm cúm trong tuần đầu đến tuần thứ 8 của thời kỳ mang thai… Vì vậy, mỗi bà mẹ khi mang thai nên thường xuyên đi siêu âm ở những cơ sở y tế, nhất là khi thai được 12 tuần tuổi để đo độ mờ da gáy nhằm phát hiện các dị tật, như bệnh down; 20 tuần tuổi trở lên tầm soát sứt môi, hở hàm ếch và các dị tật khác.
Nụ cười hồn nhiên của một em bé sau khi được phẫu thuật nụ cười miễn phí. Ảnh: TL.
83 trong tổng số 116 trẻ em bị dị tật môi, vòm miệng của 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã được phẫu thuật trong đợt này. Hoạt động phẫu thuật thực hiện từ ngày 27/8 đến ngày 31/8 tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, do đội ngũ y, bác sỹ đến từ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… trực tiếp phẫu thuật.
Đây chính chương trình khám và phẫu thuật nụ cười miễn phí cho trẻ em các tỉnh Tây Nguyên năm 2018 do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổ chức Operation Smile Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tổ chức thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh, Đắk Lắk có hơn 4.000 trẻ em bị khuyết tật, tàn tật, bệnh tim bẩm sinh, dị tật vận động, dị tật về mắt, sứt môi hở hàm ếch, đa khuyết tật và mắc các bệnh hiểm nghèo khác. Từ năm 2006 đến nay, Tổ chức Operation Smile đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật thành công cho 852 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch trên địa bàn tỉnh.
“Chương trình không chỉ thể hiện sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với trẻ em bị dị tật, có hoàn cảnh gia đình khó khăn mà còn mang lại niềm vui, sức khỏe, cơ hội hoàn thiện bản thân để các em có nụ cười lành lặn, tự tin vươn lên trong cuộc sống” – ông H’Yim Kđoh cho biết.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 13 năm qua, cháu nội của ông Y Liêm Knun, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) không nói chuyện bình thường được do không có lưỡi gà trong vòm họng. Thương con, thương cháu nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có tiền đưa đi bệnh viện điều trị. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, khi cháu ông Y Liêm Knun nằm trong diện được phâũ thuật miễn phí đợt này. Với ông Y Liêm Knun đây có lẽ là một phép màu trong cuộc sống, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cả gia đình và một đứa trẻ vừa bước sang tuổi 13 để cháu có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa.
Hở môi, hở hàm ếch là một trong những dị tật phổ biến nhất đối với trẻ sơ sinh tại Việt Nam với tỷ lệ trẻ sinh ra mang dị tật là 1/700. Hàng năm, nước ta có khoảng 2.000 trẻ em ra đời bị dị tật khe hở môi, vòm miệng. Dị tật không những ảnh hưởng tới ngoại hình, mà còn tác động tới phát triển cơ thểvà tâm lý của trẻ em. Sứt môi, hở hàm ếch không phải mổ 1 lần, do đó, trẻ nên được mổ sớm, phục hồi thẩm mỹ để các bé có thể phát âm tốt, hoàn thiện khuôn mặt, đem lại cuộc sống bình thường cho các em.
Từ năm 1994, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai Chương trình Phẫu thuật nụ cười nhằm phẫu thuật nhân đạo khe hở môi, hàm ếch cho trẻ em. Đến năm 1997, Quỹ hợp tác với Tổ chức Operation Smile tổ chức chương trình, các đối tượng của chương trình đã được mở rộng sang thanh thiếu niên và người lớn. Tính đến nay, Quỹ đã hỗ trợ phẫu thuật cho gần 30.000 trẻ em bị dị tật về môi tương ứng với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 70 tỷ đồng.