Ngày 22/2, BS Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết: Các bác sĩ của BV vừa phẫu thuật thành công 2 trường hợp sản phụ có bệnh lý tim mạch nặng.
Bệnh nhân T.T.C.T, 19 tuổi ngụ tại huyện Châu Thành tỉnh An Giang, được BV tuyến trước chuyển đến được chẩn đoán: Thai ngoài tử cung bên phải, tăng áp động mạch phổi nặng, suy tim độ II với tình trạng đau bụng, âm đạo ra huyết xẫm, huyết áp thấp, ngón tay dùi trống, tiền sử bệnh tim (Thông liên thất - hội chứng Eisenmenger) đang điều trị nội khoa.
Bệnh nhân được nhập viện được Khoa Phụ sản theo dõi thai ngoài tử cung bên (P) đã vỡ; hội chẩn nhiều chuyên khoa với chẩn đoán: Thai ngoài tử cung phải thể huyết tụ thành nang/Thông liên thất shunt 2 chiều – Hội chứng Eisenmenger. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu với nguy cơ phẫu thuật rất cao. Ê kíp phẫu thuật nhanh chóng được thành lập và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Kết quả phẫu thuật cạnh phải tử cung có một khối thai ngoài đường kính 3x3cm vỡ, xung quanh 500gr máu cục có quai ruột và mạc treo bao lại, tiến hành gỡ dính và cắt tai vòi bên phải.
Hiện tình trạng bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định,vết mổ khô.
Một trường hợp đặc biệt khác, sản phụ tên H.N.T.U, 27 tuổi, được tuyến trước chuyển đến nhập viện ngày 17/2 với chẩn đoán: Nhịp nhanh kịch phát trên thất/thai 34 tuần.
Đến sáng ngày 19/2 bệnh nhân vào cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất với tần số 200 lần/phút, cơn tái phát nhiều lần. Bệnh nhân được xử trí cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh thành công. Ngay sau khi cắt cơn nhịp nhanh, các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa quyết định chấm dứt thai kỳ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Ê kíp phẫu thuật đã đón thành công bé trai 2.250g, sức khỏe ổn định được chuyển BV Nhi đồng thành phố Cần Thơ theo dõi và chăm sóc.
Hiện tình trạng bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, bé ổn định, bú tốt.
BS Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Gây mê hồi sức BVĐK trung ương Cần Thơ cho biết, các trường hợp gây mê hồi sức cho các phẫu thuật ngoài tim ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch kèm theo vẫn còn là một thách thức đối với các bác sĩ và các phẫu thuật viên. Khi sản phụ có bệnh tim mạch cần phẫu thuật thì vai trò của việc gây mê là đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong quá trình thực hiện phẫu thuật, đồng thời phải đảm bảo giảm thiểu hoặc phòng ngừa các biến chứng tim mạch có thể xảy ra trong suốt quá trình điều trị chu phẫu.