Phép mầu trong thảm họa

Thanh Đức 13/02/2023 09:00

Tính đến ngày 12/2, trận động đất 7,8 độ richter hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.000 người. Theo Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, 61 quốc gia đã cử lực lượng đến trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn bất chấp hy vọng tìm thấy thêm người sống sót đang dần mong manh.

Gầu máy xúc giữ cho phía trên của căn nhà không sập xuống để các chiến sĩ Việt Nam tìm kiếm nạn nhân trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH.

Gizem - một nhân viên cứu hộ đến từ tỉnh Sanliurfa (Thổ Nhĩ Kỳ), nói: "Nếu không chết dưới đống đổ nát, người ta sẽ chết vì vết thương, hoặc là sẽ chết vì nhiễm trùng. Việc đào bới diễn ra suốt ngày đêm nhưng hy vọng ngày một xa dần”.

Ngày 12/2, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Fuat Oktay – Phó Tổng thống, cho biết, ít nhất 6.000 tòa nhà đã bị sập sau trận động đất mạnh 7,8 độ vào sáng sớm 6/2. Hơn 28.000 người thiệt mạng và rất có thể con số còn tiếp tục tăng lên.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, 15 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và 11 triệu người ở Syria bị ảnh hưởng bởi động đất. Trong đó, hơn 5 triệu người là đối tượng đặc biệt dễ tổn thương, gồm 350.000 người cao tuổi và hơn 1,4 triệu trẻ em. WHO ước tính có hơn 15 bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại một phần hoặc toàn phần. Còn tại Syria, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe bị tàn phá sau 12 năm nội chiến, có ít nhất 20 cơ sở y tế trên khắp vùng tây bắc bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có 4 bệnh viện bị hư hại nặng.

“Việc này khiến nỗ lực cứu hộ hàng trăm ngàn người bị thương trong thảm họa càng trở nên khó khăn” - đại diện WHO nói.

Trong đau thương mất mát vô bờ bến ấy, người ta bỗng như thấy “phép màu” hiện ra khi tìm kiếm được những người sống sót trong đống đổ nát. Ngày 10/2, sau 103 giờ kể từ khi xảy ra trận động đất, các nhân viên cứu hộ đã giải cứu được ông Murat Vural, 66 tuổi. Cùng thời điểm Đội cứu hộ y tế quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (UMKE) cũng đã tạo ra "phép mầu" tương tự khi cứu sống từ đống đổ nát của một ngôi nhà 7 tầng người mẹ có tên Ihlas Ayaz và cậu con trai Yigit. Một thiếu nữ 15 tuổi có tên Ayse Mustafa cũng đã được đội cứu hộ cứu sống sau hơn 100 giờ bị chôn vùi.

Một “phép mầu” khác là việc lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ kỳ đã kéo ra khỏi đống đổ nát 2 phụ nữ còn sống, sau khi họ bị mắc kẹt suốt 122 giờ. Đó là bà Menekse Tabak, 70 tuổi và bà Masallah Cicek, 55 tuổi. Ngần ấy thời gian tưởng chừng như bị chôn sống, nhưng rồi họ đã thoát chết. Một lần tái sinh thật sự đến từ nỗ lực không mệt mỏi của những người cứu hộ.

Trong số các nạn nhân của trận động đất bi thảm may mắn được cứu sống có nhiều trẻ em. Trong đó, cậu bé 3 tuổi rưỡi Zeynep Ela Parlak được kéo ra khỏi đống đổ nát như một “phép mầu”. Tại tỉnh Kahramanmaras, lực lượng cứu hộ đã đưa được một em bé 2 tháng tuổi ra khỏi đống đổ nát. Khi được đưa ra ngoài, trong vòng tay ấm áp của người cứu hộ, em bé có tên Muhammed Dogan Bostan ngây thơ vẫn đang mút tay. Cũng ở địa phương cùng bé Bostan, cậu bé Mikail, 2 tuổi cũng được giải cứu sau 43 tiếng đồng hồ mắc kẹt trên ghế sofa dưới đống đổ nát.

Tại thị trấn Jindayris, tỉnh Aleppo (Syria), người ta còn tìm thấy em bé sơ sinh còn nguyên dây rốn dính với người mẹ. Bé đã được lực lượng cứu hộ cho uống nước bằng nắp chai. Em bé là người duy nhất trong gia đình sống sót. “Đó là câu chuyện vô cùng cảm động mà cũng vô cùng khốc liệt trong thảm họa, cũng là điều kỳ diệu chúng ta có thể thấy được” - tờ The Guardian dẫn lời một nhân viên y tế một phòng khám ở thành phố Afrin.

22 giờ ngày 9/2, đoàn biệt phái gồm 24 chiến sĩ cứu hộ và nhân viên y tế Việt Nam đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt sau trận động đất. Đó là 24 chiến sĩ đến từ TPHCM, Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Họ đều đã có trên 10 năm kinh nghiệm, nhiều lần tham gia các vụ cứu nạn trong điều kiện khắc nghiệt. Đây là lần đầu tiên chiến sĩ cứu hộ làm nhiệm vụ quốc tế ở nơi rất xa lãnh thổ Việt Nam. Sau hơn một ngày di chuyển, đoàn cứu hộ của Việt Nam bắt đầu cứu hộ người bị mắc kẹt trong đống đổ nát tại thành phố Adiyaman. Đoàn được phân công cứu hộ ở một tòa nhà cao tầng đổ nát, nơi có 15 người bị vùi lấp. Các chiến sĩ phải tiến hành công việc trong điều kiện khắc nghiệt, nơi mà nhiệt độ âm 6 độ C.

Tiếp đó, chỉ sau 1 ngày, ngày 10/2, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng đã giao Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng Cục hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Binh chủng Công binh khẩn trương tổ chức lực lượng và phương tiện lên đường làm nhiệm vụ.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, đây là việc làm hết sức cần thiết, khẳng định vị thế, trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa đối với cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phép mầu trong thảm họa