Sáng sớm mùng 6 Tết, hàng nghìn người dân đổ về chợ Chuộng tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) để tham gia ném cà chua lấy may. Theo tích xưa kể lại, vào thời Lê Lợi, có một vị tướng bị giặc truy đuổi và chạy đến làng Giang (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn). Hôm ấy nhằm ngày mùng 6 Tết. Để che giấu vị tướng, dân làng đã tổ chức họp chợ. Khi giặc đến, vì nghĩ là phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác. Chớp thời cơ, vị tướng đã huy động dân làng tấn công khiến giặc bị thiệt hại nặng. Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mùng 6 Tết, dân trong vùng lại tổ chức họp chợ. Chợ này chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 6 Tết. Người dân địa phương nơi đây có câu truyền tụng “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng”. Chính vì vậy, cứ vào sáng mùng 6 Tết là người dân khắp nơi ùn ùn về dự phiên chợ. Theo quan niệm của người dân, người bán là bán đi cái đen đủi, còn người mua là mua cái may mắn. Các mặt hàng ở đây chủ yếu là sản vật địa phương. Điều khiến cho phiên chợ đặc biệt hơn đó là tục ném cà chua vào người nhau. Người đến tham gia phiên chợ mua những túi cà chua, họ ném vào nhau và cho rằng ai bị ném vào người càng nhiều thì năm đó càng may mắn. Với giá cà chua hiện tại giao động trong khoảng từ 20 - 30.000đ/kg, chỉ với 100.000đ, các bạn trẻ có thể có hơn 3kg cà chua trong tay để thể hiện biệt tài ném bách phát bách trúng của mình. Hiện nay, lứa tuổi tham gia ném cà chua nhiều nhất ở phiên chợ là thanh thiếu niên. Người dân quan niệm, ai bị ném cà chua vào người nhiều nhất sẽ trút bỏ được xui xẻo và gặp may mắn trong năm mới. Ngoài ra, ném cà chua còn giúp các chàng trai, cô gái cầu duyên. Những quả cà chua thường được bóp dập hoặc bẻ đôi để nước bắn tung toé khi chạm vào mục tiêu. Các cô gái trẻ luôn là tâm điểm của “cuộc chiến” rượt đuổi, ném cà chua. Dù bị ném cà chua bẩn hết quần áo nhưng ai cũng cười tươi vui vẻ. Những quả cà chua dập nát còn sót lại sau khi kết thúc phiên chợ. Qua thời gian, chợ Chuộng trở thành nơi “mua may bán rủi” đầu năm, cũng là nơi trao đổi các sản vật trong vùng, tổ chức các trò chơi dân gian của địa phương